TS Võ Trí Thành: Chiến tranh thương mại sẽ 'tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán'

Hoàng Lan - 30/07/2018 09:36 (GMT+7)

(VNF) - “Sự bất ổn tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, vì trong bối cảnh bất định, nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi hoặc tìm kênh đầu tư an toàn hơn, thay vì bỏ vốn vào chứng khoán”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

VNF
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì đến nay, quy mô thực chất của chiến tranh thương mại “chưa phải là quá lớn”

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc được “khai hỏa” hôm 6/7 khi hải quan Mỹ chính thức thu thuế 25% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ những chiếc máy cày cho đến chip bán dẫn và linh kiện máy bay. Tổng cộng số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD sẽ bị ảnh hưởng.

Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng nông sản, xe cộ và hải sản. Theo tờ Trung Quốc nhật báo, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này nhập từ Mỹ vào Trung Quốc hàng năm cũng là 34 tỷ USD.

Chưa đầy 1 tuần sau, vào ngày 10/7 (giờ địa phương), Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách dài các mặt hàng Trung Quốc dự kiến bị đánh thuế.

Danh sách trên bao gồm một số mặt hàng trong các lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch chiến lược Made in China 2025 mà Trung Quốc đề ra, với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là công nghệ.

Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Mỹ quyết định sẽ áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Các nhà quan sát, các chuyên gia kinh tế đều nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang.

Nói về tác động của chiến tranh thương mại tới Việt Nam, trả lời báo Đầu tư Chứng khoán, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng căng thẳng thương mại ngày càng leo thang sẽ “tạo ra sự bất ổn cao, ảnh hưởng đến vấn đề dịch chuyển dòng vốn và đầu tư khi các nước phát triển thay đổi chính sách do động thái của Hoa Kỳ”.

Nhận định về những tác động của chiến tranh thương mại đến thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, ông Thành nói: “Sự bất ổn đồng thời tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, vì trong bối cảnh bất định, nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi hoặc tìm kênh đầu tư an toàn hơn, thay vì bỏ vốn vào chứng khoán. Sự bất định càng kéo dài sẽ càng kéo theo nhiều hệ lụy cho hoạt động đầu tư, thương mại, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế...”

Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì đến nay, quy mô thực chất của chiến tranh thương mại “chưa phải là quá lớn”.

Trước một số ý kiến lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể dẫn tới rủi ro hàng Trung Quốc không xuất được qua Mỹ sẽ tràn sang Việt Nam, ông Thành cho rằng việc này khó xảy ra vì “những mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế không liên quan trực tiếp tới những mặt hàng quen thuộc trong thương mại Trung Quốc - Việt Nam”.

Tổng thống Donald Trump từng phát biểu, Mỹ có thể nâng mức thuế thêm 10%, thậm chí áp thuế cao lên tất cả mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá khoảng 500 tỷ USD).

Theo ông Võ Trí Thành, chỉ khi tuyên bố áp thuế lên 500 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc của ông Trump thành hiện thực thì mới có thể xảy ra việc hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam và Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để cạnh tranh với Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ.

Còn ở thời điểm hiện tại, hàng hóa từ Việt Nam “vẫn khó có thể vào thị trường Mỹ một cách dễ dàng, bởi hàng hóa Trung Quốc vốn có sức cạnh tranh rất mạnh trên thị trường quốc tế”, ông Thành nhận định.

Mặt khác, chuyên gia Võ Trí Thành cho biết: “Với một thị trường lớn và quan trọng như Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể chịu được mức thuế cao và sẽ có biện pháp ứng phó để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này”.

Nhận định về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam, Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng “trong nguy có cơ”. Tuy nhiên, các phân tích của ông cho thấy “nguy” nhiều hơn “cơ”.

Theo ông Thành: “Khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, yếu tố bất ổn sẽ càng lớn, làm suy giảm sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới, khi đó lại gây bất lợi cho việc xuất khẩu của Việt Nam trên diện rộng”.

“Nói tóm lại, trước cuộc chiến thương mại mang quy mô toàn cầu như cuộc chiến Mỹ - Trung, Việt Nam cần chú trọng vào năng lực cạnh tranh thực chất, tăng cường quản trị rủi ro, tận dụng mọi ngóc ngách, mọi cơ hội để phát triển”, chuyên gia Võ Trí Thành đề cập đến các biện pháp ứng phó của Việt Nam.

Chính sách đầu tiên được nghĩ đến là tỷ giá: “Do dịch chuyển dòng vốn, nhiều nước trong đó có Trung Quốc, dùng tỷ giá như một cách thức để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Việc này sẽ gây áp lực trực tiếp đối với hàng hóa Việt Nam.

Ở một góc độ nào đó, việc dùng tỷ giá để tăng khả năng cạnh tranh, tạo sự linh hoạt là cần thiết. Thế nhưng, tác động của chính sách tỷ giá là nhiều chiều, ảnh hưởng đến dòng vốn và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là chính sách mà Hoa Kỳ đánh giá là sự cạnh tranh không công bằng. Do đó, Việt Nam phải cẩn trọng khi sử dụng chính sách này”, ông Thành nói.

Một cách thức khác mà Việt Nam có thể áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, đó là tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng “cách này có thể gây ra những phản ứng không mong muốn từ phía đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ”.

Chuyên gia Võ Trí Thành chỉ ra 3 hướng để Việt Nam ứng phó với chiến tranh thương mại: “Thứ nhất, bám sát, đánh giá tình hình để đề ra các kịch bản ứng phó kịp thời, trong đó cần đặc biệt chú ý sự tương tác của 2 nước Mỹ và Trung Quốc; thứ hai, nỗ lực cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế; thứ ba, nâng cao quản trị rủi ro, ổn định vĩ mô, tạo sự linh hoạt nhất định cho chính sách vĩ mô, lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng để tăng sức mạnh, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc có thể xảy đến”.

Cùng chuyên mục
Tin khác