TS Võ Trí Thành nêu 4 nguyên do Covid-19 không đánh sập được kinh tế Việt Nam

Vĩnh Chi - 25/11/2020 00:51 (GMT+7)

(VNF) – Theo TS Võ Trí Thành, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu khá tốt trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19.

VNF
TS Võ Trí Thành

Phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế và doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hôm 24/11, TS Võ Trí Thành cho biết một cuộc khảo sát quy mô lớn mới đây đã chỉ ra có tới 84% doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực lên tới 31 triệu người.

Ở góc độ vĩ mô, tăng trưởng GDP năm 2020 sụt xuống mức 2% – 3%, thấp nhất trong lịch sử hơn 30 năm đổi mới của Việt Nam. Chi phí chống dịch cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, chưa kể sự thiệt hại về chi phí cơ hội.

Tuy vậy, ông Thành cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện được sức chống chịu khá tốt trước đại dịch và có 4 nguyên do làm nên điều này.

Một là Việt Nam có các yếu tố nội tại quan trọng như: có nền tảng vĩ mô ổn định (đã được củng cố sau giai đoạn 2011 – 2012), có khu vực nông nghiệp (được ví như bà đỡ của nền kinh tế), khu vực dịch vụ chưa lớn (nên không bị đại dịch tàn phá nặng nề) và sở hữu tầng lớp trung lưu có tiết kiệm.

Hai là Việt Nam đã sớm chống dịch và chống dịch thành công. Đây là điều kiện cơ bản, giúp các chính sách kinh tế của Chính phủ phát huy được tác dụng.

Ba là sức chịu đựng tốt và khả năng vượt khó rất tốt của cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế cho thấy doanh nghiệp có nhiều phương thức để vượt khó, từ cách đơn giản nhất là “ngủ đông” cho đến cắt giảm chi phí nhân công, chuyển đổi sản phẩm, chuyển đổi thị trường, chuyển đổi công thức kinh doanh, chuyển đổi số và đáng kể hơn cả là các doanh nghiệp đã bắt đầu liên kết tốt hơn với việc 47% số doanh nghiệp được hỏi đã biết “chơi với nhau”.

“Có một cái hay nữa là doanh nghiệp Việt Nam có tình thương bao la. Thống kê cho thấy có 84% doanh nghiệp bị tác động nặng nhưng tổng số lao động của doanh nghiệp bị cắt giảm không quá 10%.

“Tốc độ giảm lao động ít hơn rất nhiều so với tốc độ giảm doanh thu, nhất là trong các tháng 3, 4, 8. Đáng chú ý là doanh nghiệp do nữ làm chủ cắt giảm lao động ít hơn doanh nghiệp do nam làm chủ. Đấy là một thứ rất vi diệu”, ông Thành nói.

Yếu tố thứ tư tăng cường cho sức chống chịu của nền kinh tế là các gói hỗ trợ của Chính phủ. Mặc dù ghi nhận những tác động tích cực nhưng ông Thành vẫn cho rằng hiệu quả của các gói hỗ trợ chưa được như kì vọng.

“Trong các doanh nghiệp được hỏi, chỉ có 17,8% tiếp cận được gói hỗ trợ. Đấy là điều đáng tiếc vì chính sách của Chính phủ được ban hành khá sớm và rất quyết liệt”, ông Thành nhận xét.

Cùng chuyên mục
Tin khác