Về tay SeABank với giá 710 tỷ, Tài chính Bưu điện có gì?

Minh Tâm - 23/06/2018 11:29 (GMT+7)

(VNF) – Mặc dù chi tới 710 tỷ đồng để sở hữu hoàn toàn Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) nhưng xét trên nhiều khía cạnh, đây là “món hời” thực sự đối với SeABank.

VNF
PTF sẽ là mũi nhọn của SeABank trên “mặt trận” tài chính tiêu dùng.

Tài chính Bưu điện chính thức về tay SeABank

Ngày 22/6/2018, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Lễ ký Biên bản bàn giao Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) từ VNPT cho SeABank theo hình thức chuyển nhượng vốn góp.

Việc mua PTF là bước đi chiến lược SeABank trong việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ bán lẻ. PTF sẽ là mũi nhọn của ngân hàng này trên “mặt trận” tài chính tiêu dùng.

Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc SeABank, cho biết: “Thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhu cầu của khách hàng ngày một tăng cao. Chính vì vậy SeABank đã quyết định mở rộng hoạt động ở lĩnh vực tài chính tiêu dùng thông qua công ty tài chính”.

“Việc mua lại Công ty PTF có ý nghĩa là cột mốc quan trọng cho giai đoạn phát triển ở tầm cao hơn của SeABank. Đồng thời đây cũng là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa khát vọng của SeABank trong chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ”, bà Thuỷ cho biết.

PTF là công ty 100% thuộc sở hữu của Tập đoàn VNPT, được cấp phép thành lập vào tháng 10/1998 và là một trong những công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam.

Theo chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, VNPT đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại PTF. Ngày 1/2/2018, SeABank đã tham gia phiên đấu giá công khai mua cổ phần PTF của VNPT và là đơn vị trúng đấu giá cao nhất với mức giá 710 tỷ đồng.

Ngày 22/5/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định chấp thuận việc mua bán, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty PTF cho SeABank. Đúng một tháng sau, PTF đã chính thức bàn giao về SeABank.

“Món hời” PTF?

Theo báo cáo tài chính năm 2017 của PTF, lợi nhuận sau thuế năm qua của doanh nghiệp này đạt 33,7 tỷ đồng, gấp tới gần 2,5 lần năm 2016.

Như vậy, so với mức chi 710 tỷ đồng mà SeABank bỏ ra, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) hiện tại của PTF vào khoảng 21 lần. Đây là mức P/E được đánh giá là tương đương với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, thậm chí là khá rẻ nếu so với tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng.

Cũng theo báo cáo tài chính, vốn chủ sở hữu đến hết năm 2017 của PTF ở mức 347 tỷ đồng và khá đặc biệt là doanh nghiệp này không sử dụng vốn vay, mặc dù PTF là một tổ chức tín dụng.

So với mức giá 710 tỷ đồng, P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách) hiện tại của PTF ở mức 2 lần. Đây là mức P/B thấp so với các doanh nghiệp niêm yết cũng như so với tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng, một lần nữa cho thấy PTF là “món hời” của SeABank.

Thực tế, việc các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước liên tục mua lại công ty tài chính tiêu dùng trong nước, nhiều trường hợp với giá rất cao, không hẳn là vì mạng lưới khách hàng hay thương hiệu, mà vì việc mua lại sẽ giúp họ không phải “xin” giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Việc “xin” giấy phép mới hoàn toàn trong lĩnh vực này không phải là điều dễ dàng.

Cùng chuyên mục
Tin khác