Áp lực CBAM: Thuế carbon và sự ứng phó của Việt Nam
(VNF) - Từ ngày 1/1/2026, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ chính thức áp dụng. Theo đó, EU sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào thị trường này. Mức thuế dựa trên độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất.
Chuẩn bị ứng phó trước rào cản mới, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance có cuộc trao đổi với ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
- Chính sách này sẽ tác động ra sao đến Việt Nam, thưa ông?
Ông Ngô Chung Khanh: Quy định mới này của EU sẽ có những tác động nhất định tới Việt Nam. Báo cáo đánh giá tác động CBAM cho thấy, việc EU áp dụng cơ chế CBAM có thể khiến cho GDP của Việt Nam giảm khoảng 100 triệu USD vào năm 2030 và khoảng 200 triệu đô la Mỹ đến năm 2035.
Các ngành chịu phạm vi điều chỉnh của CBAM chỉ chiếm một phần nhỏ của cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, những con số về ảnh hưởng tiêu cực như đề cập chủ yếu sẽ do các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chịu cơ chế CBAM.
Cụ thể, vào năm 2019, cả 4 ngành thuộc phạm vi áp dụng của CBAM là thép, nhôm, xi măng và phân bón, điện và hydrogen chỉ chiếm tổng tỷ trọng khoảng 3,2% trong GDP của nước ta; và chỉ 12,6% sản lượng của các ngành này được xuất khẩu, trong đó điểm đến EU chỉ chiếm một phần nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu của các ngành này (8% với gang - thép, 2% với nhôm, 1% với xi măng và gần 0% với phân bón).
Các ước tính này cũng chưa tính đến việc nền kinh tế sẽ tái cơ cấu tài nguyên từ các ngành bị ảnh hưởng sang các ngành khác để tránh những ảnh hưởng tiêu cực này.
Mặt khác, nếu hệ thống định giá carbon trong nước được triển khai bên cạnh chính sách CBAM với mức phát thải tại các ngành giữ nguyên mức hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến GDP của Việt Nam có thể lên đến 6,4 tỷ USD vào năm 2030 và đến 11,1 tỷ USD vào năm 2035 - tương đương 1% GDP.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhiên liệu hóa thạch dự kiến có thể tăng 5,3% vào 2035; tỉ lệ việc làm giảm 0,6% đến năm 2035. Bù lại, doanh thu từ giá carbon ước tính có thể lên đến 4,4 tỉ đô la Mỹ vào 2030 và đến 6,0 tỉ đô la Mỹ vào năm 2035.
Các ảnh hưởng tiêu cực này có thể được hạn chế nếu thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Cụ thể, nếu CBAM và hệ thống định giá carbon trong nước giúp giảm phát thải được 1-1,5% như mục tiêu đặt ra thì quy mô ảnh hưởng tiêu cực đến GDP của Việt Nam có thể giảm từ 6,4 tỉ USD còn 2,5 tỉ USD vào năm 2030 và từ 11,1 tỉ USD còn 1,9 tỉ USD vào năm 2035.
- Ông có thể phân tích tác động cụ thể đối với từng ngành hàng chịu CBAM?
Ông Ngô Chung Khanh: Trước mắt, CBAM áp dụng đối với 6 ngành: gang và thép; nhôm; xi măng; phân bón; điện và hydrogen. Tuy nhiên, Việt Nam không xuất khẩu điện sang EU và kim ngạch xuất khẩu hydrogen ở mức không đáng kể.
Xuất khẩu thép sang EU chiếm 5 - 10% kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam. Khi CBAM được áp dụng, dự tính sản lượng thép và xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU có thể giảm tương ứng là 0,8% và 3,7% vào năm 2030 và 0,9% và 3,9% vào năm 2035. Mức giảm này sẽ cao hơn nếu Việt Nam áp dụng giá carbon đối với ngành thép, cụ thể là tương ứng là 5,1% và 7,3% vào năm 2030 và 5,1% và 7,5% vào năm 2035.
Tuy nhiên, tiền thu được từ giá carbon sẽ tương ứng là 1,2 tỷ USD vào năm 2030 và 1,9 tỷ USD vào năm 2035.
Xuất khẩu nhôm sang EU chiếm tỷ trọng khoảng 3-12% tổng kim ngạch xuất khẩu nhôm của Việt Nam. Dự tính sản lượng nhôm và xuất khẩu nhôm của Việt Nam sang EU có thể giảm tương ứng là 0,4% và 4,3% vào năm 2030 và 0,4% và 4,4% vào năm 2035. Mức giảm này sẽ cao hơn nếu Việt Nam áp dụng giá carbon đối với ngành thép, cụ thể là tương ứng là 9,3% và 13,5% vào năm 2030 và 9,4% và 13,7% vào năm 2035.
Tuy nhiên, tiền thu được từ giá carbon sẽ tương ứng là 0,6 tỷ USD vào năm 2030 và 0,9 tỷ USD vào năm 2035.
Xuất khẩu xi măng và phân bón sang EU chiếm tỷ trọng không nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Dù vậy, việc phải đội thêm chi phí từ cơ chế CBAM chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của phân bón xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Nếu Việt Nam áp dụng giá carbon trong nước, tác động đến ngành phân bón sẽ rõ ràng hơn do không chỉ phân bón xuất sang EU mà toàn bộ sản lượng phân bón trong nước sẽ phải chịu giá carbon.
Theo kế hoạch, CBAM sẽ mở rộng phạm vi và nếu kế hoạch này được triển khai thì sẽ có thêm nhiều sản phẩm tiềm năng khác của Việt Nam chịu sự điều chỉnh của cơ chế này. Thêm vào đó, khả năng một số ngành dù chưa có trong EU ETS như dệt may, nhựa nhưng theo đánh giá là đang xả thải CO2 lớn được đưa vào diện điều chỉnh của CBAM có thể xảy ra.
Trước thách thức này, theo ông, doanh nghiệp cần phải làm gì?
Ông Ngô Chung Khanh: Để ứng phó với những thách thức từ cơ chế CBAM, doanh nghiệp Việt Nam cần có những biện pháp thích hợp nhằm thích ứng và tận dụng cơ hội từ cơ chế này.
Trước hết là nâng cao hiểu biết về CBAM, do CBAM là cơ chế mới và phức tạp, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin chính xác, tìm hiểu sâu hơn về các yêu cầu liên quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến CBAM phải nắm rõ cách thức vận hành và yêu cầu về giấy phép carbon của EU.
CBAM sẽ tạo áp lực lớn về chi phí. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược giảm phát thải carbon, tập trung cải thiện quy trình sản xuất, sử dụng công nghệ xanh hơn và giảm lượng phát thải carbon. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí liên quan đến giấy phép carbon mà còn nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thời gian qua, ngoại trừ một số doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của CBAM đã có những nghiên cứu và sự chuẩn bị một cách nghiêm túc, đại bộ phận các doanh nghiệp hiểu chưa đầy đủ, có thể chưa chính xác và từ đó những phản ứng, những chuẩn bị có thể không có hiệu quả. Do đó, các doanh nghiệp cần lập ra những chiến lược dài hạn, bao gồm việc đầu tư vào công nghệ sạch, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và tham gia các chương trình đào tạo, hội thảo về CBAM để chuẩn bị cho tương lai.
Bên cạnh đó, do thông tin về CBAM còn bị phân tán và chưa mang tính chính thống, doanh nghiệp cần liên hệ với các tổ chức uy tín để nhận được sự tư vấn chính xác và tin cậy.
Cần lưu ý, do Việt Nam chưa có cơ quan quản lý chính thức về CBAM, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi và tuân thủ các quy định quốc tế, chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ, báo cáo về phát thải carbon khi xuất khẩu sang EU.
Những bước chuẩn bị này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi CBAM chính thức đi vào hoạt động, mà còn mở ra cơ hội nâng cao uy tín và tính bền vững của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Theo ông, chúng ta cần cơ chế nào hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện CBAM?
Ông Ngô Chung Khanh: Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện CBAM của EU, Bộ Công Thương đã đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với quy định này.
Trước hết, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm phát thải carbon, nhằm đáp ứng yêu cầu của CBAM trong ngắn hạn. Điều này bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh, bền vững.
Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang những quốc gia chưa áp dụng CBAM, đặc biệt là các quốc gia thuộc nhóm BRICS (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi...), nơi có tiềm năng phát triển và ít bị ảnh hưởng bởi rào cản thương mại liên quan đến môi trường.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, bao gồm xây dựng đề án ứng phó với CBAM và tham gia đàm phán quốc tế để đảm bảo cơ chế này không gây bất lợi cho Việt Nam. Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mua bù tín chỉ carbon, giúp giảm chi phí mua chứng chỉ CBAM khi xuất khẩu vào EU. Điều này đòi hỏi Việt Nam phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon nội địa, dự kiến sẽ đi vào thử nghiệm năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028.
Việc chuẩn bị này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giảm thiểu tác động từ CBAM mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh châu Âu ban hành với mục tiêu xử lý lượng phát thải khí nhà kính trong một số hàng hóa nhất định nhập khẩu vào EU. Chính thức có hiệu lực từ 1/10/2023 CBAM trước mắt áp dụng đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen.
Ngày 24/8, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai đề án ứng phó với Cơ chế СВАМ và các hoạt động chủ động, tích cực nhằm thích ứng với CBAM…
Đánh thuế carbon: Chỉ còn 1 năm, không thể thờ ơ trước rào cản CBAM
- EU đánh thuế carbon: DN thép hàng đầu Việt Nam đối mặt rào cản mới 03/10/2024 01:00
- Đánh thuế carbon: Chỉ còn 1 năm, không thể thờ ơ trước rào cản CBAM 01/10/2024 08:00
- EU khởi động đánh thuế carbon đáp trả các mức thuế mới của Mỹ 04/10/2019 07:27
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.