Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Tại buổi họp hôm 25/2, lãnh đạo UBND quận Ba Đình thừa nhận trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại dự án 8B Lê Trực thuộc về UBND quận Ba Đình. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng cho biết hiện quân đang gặp khó khăn trong việc tìm đơn vị tư vấn thiết kế về mặt tháo dỡ phần vi phạm của dự án 8B Lê Trực.
Cũng tại cuộc họp, Phó trưởng ban Thường trực Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết những năm gần đây, kể từ khi xảy ra sai phải tại dự án 8B Lê Trực thì phường, quận, thành phố cũng đã rất quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Học, để xử lý với dự án lớn như thế này là không đơn giản.
Cũng theo Phó trưởng ban Thường trực Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, quận Ba Đình đã có 3 đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội.
Cụ thể, đề xuất thứ nhất là đề xuất thành phố xem xét cho phép Bộ tư lệnh Thủ đô và các đơn vị công binh có khả năng tháo dỡ phần vi phạm của dự án này hay không.
Thứ hai, quận Ba Đình đề xuất UBND thành phố đề nghị Bộ Xây dựng chỉ định một đơn vị tư vấn thiết kế của Bộ có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc tháo dỡ phần sai phạm của dự án 8B Lê Trực.
Cuối cùng, quận Ba Đình đề xuất đôn đốc các sở KH&ĐT, Tài chính... hướng dẫn chặt chẽ với UBND quận Ba Đình. Trường hợp nếu có các đơn vị có đủ năng lực tiến hành tháo dỡ thì phải thực hiện đấu thầu cam kết đảm bảo được thời gian nhưng vẫn đạt được hai cái trọng nhất là an toàn cho công trình bởi vì sau này còn đưa vào sử dụng và an toàn trong quá trình phá dỡ.
“Nếu các đơn vị trong nước không làm được thì đề xuất đơn vị nước ngoài, tuy nhiên nếu nước ngoài vào thì rất phức tạp”, ông Học nói. (Xem thêm)
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Gia Định đã thông báo phát mại 65 căn hộ tại dự án chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) ở số 15 B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP. HCM. Đây là tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Đức Khải tại BIDV.
Giá khởi điểm 65 căn hộ Era Town do phía ngân hàng đưa ra dao động từ 2,2 tỷ đồng đến 5,5 tỷ đồng. Các căn hộ này có diện tích lớn từ 136 đến 368 m2. Đơn giá bình quân là 15-16 triệu đồng/m2. Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng chưa gồm 2% phí bảo trì.
Nói với VietnamFinance, nhân viên Phòng Quản lý rủi ro BIDV – chi nhánh Gia Định cho biết 65 căn chung cư phát mại nói trên đều chưa có sổ đỏ cho riêng từng căn. Nếu mua, khách hàng sẽ kí hợp đồng với chủ đầu tư (tức Công ty Đức Khải). “Ngân hàng chỉ phối hợp với chủ đầu tư để tìm kiếm người mua thôi”, nhân viên này nói.
Cũng theo nhân viên trên của BIDV, việc các căn chung cư phát mại không có “sổ đỏ” là “chuyện bình thường, vì chung cư giờ nhiều căn chưa có sổ”.
“Ngân hàng đã dẫn nhiều khách đi tham quan dự án và có người đã nộp hồ sơ. Lần trước phát mại cũng bán được một số căn”, người này hé lộ thêm thông tin. (Xem thêm)
Ngày 27/2, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Văn Thanh ký ban hành thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và quản lý đất đai giai đoạn 2010-2017.
Thông báo của TTCP cho thấy, ngoài việc kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm điểm trách nhiệm việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ giai đoạn 2010-2017, TTCP còn yêu cầu địa phương này chấn chỉnh các sai phạm, hạn chế trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư xây dựng.
Cụ thể, qua thanh tra 6 dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Dự án khu đô thị mới Phú Lộc; Dự án Khu đô thị Nam Hoàng Đồng I; Dự án N20 thị trấn Cao Lộc; Dự án tổ hợp TTTM, khách sạn và nhà phố Shop- House; Dự án tiểu khu tái định cư khối 2 Vĩnh Trại; Dự án khu đô thị Nam Nguyễn Đình Chiểu và việc quản lý và sử dụng đất tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn), TTCP đã phát hiện nhiều sai phạm gắn với trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực; Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn phụ trách lĩnh vực; giám đốc các sở, ngành có liên quan và nhà đầu tư.
Đáng chú ý, tại dự án khu đô thị mới Phú Lộc có “khu nhà giàu xứ Lạng”, với hàng chục căn biệt thự nguy nga, trị giá cả triệu USD, TTCP xác định: UBND tỉnh Lạng Sơn đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng; Không chấp hành các quy định của pháp luật nên việc tổ chức thực hiện có sai phạm.
Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn không lập báo cáo xin phép đầu tư để lấy ý kiến bằng văn bản của bộ quản lý ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư là trái với quy định tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
Mặt khác, dù chưa được Thủ tướng cho phép đầu tư nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Phú Lộc để chia tách thành các dự án thành phần gồm: Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV để lập báo cáo nghiên cứu khả thi như một dự án đầu tư độc lập. Sau khi chia tách các dự án thành phần, UBND tỉnh Lạng Sơn không tổ chức đấu thầu công trình, đấu giá đất để lựa chọn nhà thầu, vi phạm các quy định của Bộ Tài chính và Chính phủ về đấu thầu.
Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel" diễn ra ngày 27/2, luật sư Nguyễn Danh Huế phát biểu từ trước đến nay, Việt Nam hô hào phấn đấu đạt tăng trưởng du lịch cao, nhưng lại chưa có số liệu về phát triển condotel nói riêng. Trong khi đó, doanh nghiệp cần dữ liệu để quyết định đầu tư, địa phương cần dữ liệu để quyết định cấp phép cho các dự án condotel.
Luật sư Huế cho rằng chúng ta đang chạy theo cái ngọn chứ chưa phải cái gốc của vấn đề.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cũng cho biết ông từng tư vấn cho chủ đầu tư tại Nha Trang, Khánh Hoà, nhưng ông chủ này vừa bị bắt trước Tết vì tội danh lừa đảo.
Theo ông, dự án condotel có cam kết cao nhưng có nhiều nhà đầu tư không có năng lực thực thi các dự án này. Nếu không có hành lang pháp lý, ông dự báo trong vòng 5 năm tới thị trường condotel sẽ rất khó khăn, thậm chí bị "vỡ trận".
Hơn nữa, luật sư Huế cho rằng cũng vì thành tích kêu gọi đầu tư cho địa phương, sức ép ngân sách, các tỉnh cấp phép bừa dự án, đẩy nhà đầu tư vào tình thế bị "đem con bỏ chợ". Vì thế, theo ông cần thiết phải làm rõ khung pháp lý cho mô hình bất động sản này. (Xem thêm)
Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland – công ty trong hệ thống Tập đoàn Ecopark đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Hưng Yên thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khu cảng thông quan nội địa ICD Lý Thường Kiệt – giai đoạn 1.
Theo đó, khu vực nghiên cứu dự án thuộc địa bàn huyện Yên Mỹ và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; tiếp giáp đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình, nằm ngay sát đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 39. Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Công ty TNHH Nippon Koei.
Quy mô khu cảng thông quan nội địa ICD Lý Thường Kiệt – giai đoạn 1 khoảng 62,35ha. Dự án này thuộc khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, được xác định là đất kho ngoại quan – logistics theo quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường bộ nối 2 đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. (Xem thêm)
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1994, Tổng giám đốc Công ty Bình Dương Cityland) và Hoàng Anh Vui (sinh năm 1994, Giám đốc pháp lý Công ty Bình Dương Cityland) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cơ quan điều tra xác định Hùng và Vui có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán đất nền tại hàng loạt dự án như: khu dân cư Phúc Long City, khu dân cư Happy Home (tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, Green City 2, Green City 3 tại xã Lai Hưng, Bàu Bàng.
Công an tỉnh Bình Dương thông báo rằng các tổ chức, cá nhân nếu có thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Bình Dương CityLand hoặc có giao dịch với công ty này thì trình báo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương. (Xem thêm)
Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Trường An của đại gia Trần Văn Dĩnh đã có hồ sơ đề xuất gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện dự án sân golf Hồ Núi Cốc tại xã Phúc Xuân và xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên.
Theo đề xuất của Trường An, dự án sân golf Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư 956 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư 191 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 756 tỷ đồng.
Khu đất được đề xuất xây dựng có diện tích khoảng 130,6ha, trong đó, đất dành cho quy hoạch sân golf khoảng 123 ha; đất dành cho vùng bảo vệ cảnh quan và dự trữ phát triển khoảng 7,66 ha.
Nhà đầu tư cho biết dự án không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf. Dự án sử dụng một phần diện tích đất ở nông thôn là 8,95ha. (xem thêm)
UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt đồ án lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại, nhà ở đô thị, do Công ty TNHH Phát triển công nghệ và đô thị T&T - công ty thành viên của Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư.
Theo phê duyệt, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch dự án tại địa phận xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ và phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào. Ranh giới cụ thể: phía bắc giáp đất dự án công nghiệp hiện có và Quốc lộ 5; phía nam giáp đất công cộng; phía đất giáp dự án xây dựng nhà ở, dịch vụ khu công nghiệp Phố Nối; phía tây giáp hành lang sông Cầu Treo.
Dự án có tổng diện tích lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 24ha, quy mô dân số dự kiến 3.900 người. (Xem thêm)
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.