'Cấp phát ưu đãi đại trà là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển giá'

Hải Linh - 23/07/2018 14:43 (GMT+7)

(VNF) - Chính sách ưu đãi đầu tư quá rộng, ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực…đã tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện gian lận chuyển giá. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tài chính khi bàn về thực trạng chuyển giá ở Việt Nam hiện nay.

VNF
Các chuyên gia nhận định, cấp phát ưu đãi đại trà là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển giá

Tại hội thảo về thực trạng chuyển giá ở Việt Nam hiện nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã khẳng định: “Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, điển hình như vụ việc Sabeco”.

Đồng quan điểm với ông Hồ Đức Phớc, Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn đến từ Đại học Fullbright Việt Nam chỉ ra thực trạng: “Các doanh nghiệp kê khai lỗ đang tương đối cao và liên tục tăng; nhóm doanh nghiệp báo lỗ, mất vốn và âm vốn chủ sở hữu cũng đang tăng lên, trong khi đó, các doanh nghiệp này lại mở rộng quy mô đầu tư”. Thực tế đó khiến chúng ta phải đặt nghi vấn về việc chuyển giá của các doanh nghiệp.

Theo KTNN, tình trạng chuyển giá sẽ ngày càng tinh vi và phức tạp, không chỉ trong các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh nhà nước đang thúc đẩy cổ phần hóathoái vốn các doanh nghiệp nhà nước.

“Với số lượng và giá trị các doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc khả năng chuyển giá giữa các công ty con, công ty liên kết ngày càng cao”, Kiểm toán Nhà nước nhận định.

Có rất nhiều lỗ hổng dẫn đến tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định: Chính sách ưu đãi đầu tư quá rộng, ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực…đã tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp thực hiện gian lận chuyển giá.

PGS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính nói: “Ưu đãi của Việt Nam rộng quá, nhiều ưu đãi quá, không ai nhớ nổi, tra cứu còn chết vì nằm ở nhiều văn bản”. Theo ông Trường, các công ty hoàn toàn có thể chuyển lợi nhuận từ công ty ở địa bàn có nhiều ưu đãi sang địa bàn ít ưu đãi hoặc không có ưu đãi.

Là người có nhiều thực tiễn trong hoạt động kiểm toán, ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Kiểm toán trưởng, KTNN Khu vực IV cũng cho rằng: “Chính sách ưu đãi đầu tư của chúng ta kéo dài nhiều năm và rất phức tạp. Ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư, với thuế suất và thời gian rất khác nhau” gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

Ông Hiệu cho biết hiện nay các giao dịch liên kết trong nước đã rất phức tạp và khó kiểm soát. Đây là mảng chứa nguy cơ cao về phát sinh gian lận chuyển giá.

Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn đến từ Đại học Fulbright Việt Nam cũng cho rằng hiện nay chúng ta đang thực cấp phát ưu đãi đại trà. “Địa phương nào cũng ưu đãi và cạnh tranh nhau xuống đáy gây khó khăn cho quản lý”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn còn chỉ ra rằng “Môi trường thể chế và quản trị nhà nước của chúng ta nói chung là thiếu minh bạch. Chính sự thiếu minh bạch đó khuyến khích hành vi gian lận thuế”. 

Với kinh nghiệm tư vấn đầu tư cho các địa phương trong nhiều năm, ông Tuấn thẳng thắn: “Cơ quan quản lý nhà nước có tư tưởng “nắm dễ buông khó”, cái nào dễ thì chúng ta nắm, cái nào khó quá thì chúng ta bỏ qua nên mới có việc các doanh nghiệp cố tình tạo ra sự phức tạp trong tài chính”.

Trong khi đó, “ngày càng có nhiều mô thức kinh doanh mới mà năng lực của cán bộ thuế ở địa phương không theo kịp”.

Ngoài ra, có tình trạng “lãnh đạo địa phương có phần nhún nhường các doanh nghiệp lớn”. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn dẫn chứng: “Nếu muốn tiếp cận các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel phải là những lãnh đạo cao nhất của tỉnh”.

Thái độ “nhân nhượng” với các doanh nghiệp lớn cũng là trở ngại lớn trong công tác đấu tranh chống gian lận chuyển giá, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn bày tỏ quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác