Manulife: Quỹ đầu tư thâm hụt, khách đồng loạt hủy hợp đồng, rớt top 10 công ty uy tín
Nguyễn Kim -
01/11/2023 14:34 (GMT+7)
(VNF) - Manulife Investment quản lý các quỹ có ngân sách lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng, thế nhưng hiệu quả đầu tư lại không khả quan như mong đợi. Còn Công ty mẹ Manulife Việt Nam đang đối mặt với lượng hợp đồng hủy tăng cao, cũng như vướng phải nhiều vụ tranh chấp quyền lợi với khách hàng kéo dài.
Nhiều quỹ thâm hụt nặng nề
Công ty TNHH quản lý quỹ Manulife Investment là công ty con của Manulife Việt Nam, được lập ra để quản lý và kinh doanh quỹ.
Tổng số tiền quỹ mà Manulife Việt Nam đã uỷ thác cho Manulife Investment tại thời điểm ngày 30/9/2023 lên đến hơn 107 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ủy thác trực tiếp từ Manulife Việt Nam là 106.906 tỷ đồng, chiếm hơn 99%; ủy thác gián tiếp thông qua chứng chỉ Quỹ MAFEQI là 634 tỷ, chứng chỉ Quỹ MAFBAL là 265 tỷ đồng.
Manulife Investment dành ra gần 71% để đầu tư chứng khoán nợ, gồm trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp. Phần còn lại, Manulife Investment phân bổ 15% để đầu tư cổ phiếu và hơn 14% để gửi tiền tại các nhà băng.
Ghi nhận trong năm 2022, hàng loạt các quỹ của Manulife đều thâm hụt nặng nề.
Cặp đôi Quỹ Tăng trưởng (78% cổ phiếu; 16% tiền gửi) và Quỹ Phát triển (59% cổ phiếu, 15% trái phiếu, 22% tiền gửi) lần lượt âm 29,5% và âm 24,1%.
Chung tình cảnh, bộ ba Quỹ Hưng thịnh cùng ghi nhận mức lỗ trên dưới 20%, trong đó Hưng thịnh 2025 âm 19,7%, Hưng thịnh 2040 âm 22,3 %, Hưng thịnh 2045 âm 24,3%.
Những quỹ vốn được đánh giá là khá an toàn như Quỹ Cân bằng (40% cổ phiếu, 30% trái phiếu, 25% tiền gửi) cũng bị âm 16,9%; Quỹ Ổn định (16% cổ phiếu; 49% trái phiếu, 29% tiền gửi) âm 6,7%.
Hiếm hoi chỉ có Quỹ Tích luỹ (32% tiền gửi và 65% trái phiếu) ghi nhận mức tăng 1,3% và Quỹ Bảo toàn với 95% tiền gửi tại các nhà băng là dương 4,8%.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, Manulife Investment có danh mục đầu tư hơn 20 mã trái phiếu bị suy giảm giá trị, trong đó có nhiều danh mục công ty này mạnh tay rót đến hàng chục nghìn tỷ để đầu tư, như VIETGB hơn 12.889 tỷ đồng, VDBGB hơn 9.583 tỷ đồng...
Tính đến hết tháng 9/2023, Manulife Investment ghi nhận giá trị của danh mục cổ phiếu đầu tư giảm hơn 535 tỷ đồng.
Công ty mẹ đang thua lỗ và khó khăn
Theo Báo cáo tài chính bán niên 2023, Công ty Manulife Việt Nam ghi nhận lỗ từ hoạt động đầu tư trong kinh doanh hơn 2.123 tỷ đồng. Năm 2022, mức lỗ này còn nặng nề hơn ở mức 3.476 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng chi phí cho những hợp đồng khách hàng hủy bỏ đã chạm ngưỡng hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, năm 2022, số tiền hủy bỏ hợp đồng mà Manulife phải chi trả cũng rất cao, ở mức 964 tỷ đồng, còn năm 2021 là 618 tỷ đồng.
Đầu năm 2023, nhiều khách hàng kéo tới trụ sở chính của Manulife Việt Nam để phản đối liên quan vụ tiền tiết kiệm bị hô biến thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ Tâm An Đầu Tư thông qua ngân hàng SCB.
Tháng 6/2023, Manulife đã đánh mất vị trí Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023, theo báo cáo của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).
Theo tài liệu của VietnamFinance, tại thời điểm tháng 9/2023, Manulife Investment có 33 nhân sự. Tổng lương nhân sự quản lý doanh nghiệp là 20,936 tỷ đồng, tổng lương nhân sự trực tiếp quản lý quỹ là 22,343 tỷ đồng. Theo đó, lương bình quân của một nhân sự làm việc tại Manulife Investment lên đến hơn 140 triệu mỗi tháng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.