Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Đã lạc hậu sao phải chờ đến 2025?
(VNF) - Theo lộ trình, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi vào năm 2025. Tuy nhiên, để tránh tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế trước những quy định đã lỗi thời, nhiều ý kiến cho rằng, một số bất cập của thuế thu nhập cá nhân nên được sửa ngay trong năm 2024.
Thuế cao khiến tăng lương không còn nhiều ý nghĩa
Từ 1/7/2024, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng. Theo dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng.
Bên cạnh đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến, kể từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân lại đứng yên, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương sẽ phải đóng thuế cao hơn, cùng với giá cả tiêu dùng tăng dẫn đến tăng lương không còn nhiều ý nghĩa.
Theo công bố của Bộ Tài chính, số thu thuế thu nhập cá nhân trong quý I năm nay đạt mức 53.155 tỷ đồng, bằng 33,4% so với dự toán. Đáng chú ý, số thu từ thuế thu nhập cá nhân cao gấp 3,3 lần so với thu từ dầu thô; cao gần bằng khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, nhìn số thu thuế thu nhập cá nhân trong những năm gần đây có thể thấy có đóng góp rất lớn từ những người làm công ăn lương. Ngoài ra, với việc thị trường bất động sản đóng băng khiến cho nguồn thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản giảm nhưng tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước, điều này cho thấy người làm công ăn lương đang... “gắng gượng nộp thuế”.
Trên thực tế, theo tính toán của các chuyên gia, trường hợp một người lao động có thu nhập trước thuế 25 triệu đồng/tháng; có một người phụ thuộc là con; mức chi tiêu trung bình 8-10 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí sinh hoạt cơ bản, học phí, các chi phí khác như tiền học thêm, tiền khám chữa bệnh... với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh 22%, số thuế thu nhập cá nhân tiết kiệm được chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng, chiếm tỷ trọng gần 5% so với tổng mức chi tiêu cho người phụ thuộc, chưa đủ để tạo nên thay đổi rõ nét trong quyết định chi tiêu.
Chị Hà Phương, chuyên viên truyền thông của một doanh nghiệp bất động sản, cho biết với mức thu nhập nhập 20 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho một người con là 4,4 triệu đồng/tháng, thì thu nhập của chị chỉ dừng ở mức đủ sống.
“Cuộc sống ở thành phố ngày càng đắt đỏ, chi phí để thuê nhà, cho con cái học hành, ăn uống, xăng xe… chiếm gần hết số thu nhập của tôi. Trong khi tiền học phí, tiền học thêm cho một học sinh ở Hà Nội cũng rơi vào hơn 5 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là quá thấp, không theo kịp mức sống của người dân”, chị Phương nói.
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt
Những bất cập ở trên cho thấy nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời; các quy định trong tính thuế thu nhập cá nhân như: khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát.
Trước thực tế đã nêu, thay vì chờ “đúng quy trình” đến năm 2025 mới sửa toàn diện những bất cập của luật này, để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề cấp bách cần được sửa ngay trong năm 2024. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, khi những quy định pháp luật đang khiến người dân thêm khó khăn, bức xúc thì cơ quan quản lý như Bộ Tài chính phải đặt lợi ích của người dân lên trên để đề xuất sửa đổi Luật Thuế Thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt.
“Nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống nên bắt buộc phải sửa đổi, từ mức giảm trừ gia cảnh thấp đến biểu thuế của bảy bậc thuế suất thuế thu nhập cá nhân quá dày, hay những căn cứ theo chỉ số CPI… đều rất bất cập”, ông Thịnh nói.
Trong những bất cập như đã nói ở trên, ông Thịnh cho rằng bất cập lớn nhất là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo bốn vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. “Khi những quy định pháp luật đang khiến người dân thêm khó khăn, bức xúc thì cơ quan quản lý như Bộ Tài chính phải đặt lợi ích của người dân lên trên để đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Trong trường hợp không thể sửa ngay Luật Thuế thu nhập cá nhân, luật sư Phạm Ngọc Hưng, Đoàn luật sư TP. HCM, cho rằng chưa sửa luật ngay thì phải giảm thuế cho người dân. “Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang đánh vào đối tượng người làm công ăn lương, nắm ‘người có tóc’ chỉ có mức thu nhập trung bình đến trung bình khá nhưng phải đóng mức thuế khá nặng, chỉ cần thu nhập nhích một chút là lên bậc thuế cao hơn vì bậc thuế tương ứng với các mức thu nhập quá dày, sát”, ông Hưng nói.
Vì lí do trên, ông Hưng nhấn mạnh nếu chưa sửa luật, chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh kịp thời thì cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế. Như doanh nghiệp lúc khó khăn (thời điểm dịch năm 2020, 2021) đã được hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì người lao động cũng cần được giảm trong bối cảnh khó khăn.
“Giảm thuế thu nhập cá nhân là hết sức cần thiết và nên làm vì nó giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh. Cá nhân cũng là những thành phần kinh tế, thành phần sản xuất, vì thế giảm thuế thu nhập cá nhân là hợp lý và công bằng”, ông Hưng nhấn mạnh.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Những câu chuyện từ chi tiêu thực tế
Giảm trừ gia cảnh liệu đã đủ sống?
'Cần tính giảm trừ gia cảnh theo xu hướng phát triển'
'Cần hạ bậc thuế thu nhập cá nhân'
- Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Thế nào cho hợp lý? 28/03/2024 11:29
- 'Luật Thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, sẽ sửa đổi vào năm 2025' 18/03/2024 04:16
- Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: 'Cân nhắc thêm các hình thức giảm trừ' 05/03/2024 11:39
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.