Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: 'Nền công nghiệp y tế Việt Nam vẫn còn yếu, hầu như là zero'

Lệ Chi - 18/11/2021 12:04 (GMT+7)

(VNF) - "Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng tôi đã nhận ra rằng nền công nghiệp y tế của Việt Nam vẫn còn yếu, hầu như là zero. Do đó, tôi cho rằng đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư", nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.

VNF
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Trong gần 2 năm qua, trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều ngành nghề kinh doanh bị tê liệt, hàng triệu doanh nghiệp bị phá sản, hàng trăm triệu người mất việc làm, người nghèo càng nghèo thêm. Thế giới đã buộc phải chi ra hơn 100 nghìn tỷ USD để ứng phó với đại dịch khủng khiếp này.

Cộng hưởng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đại dịch đã làm thay đổi mau lẹ những ngành nghề, phương thức và hành vi kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành trật tự kinh tế mới với những nguyên tắc, nguyên lý và lực đẩy mới.

Tại hội thảo trực tuyến "Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức sáng nay (18/11), nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã có chia sẻ gợi mở khá dài về chủ đề này.

Trước các mối đe dọa phi truyền thống đối với thế giới hiện nay, nguyên Phó thủ tướng chỉ ra 5 hệ lụy.

Một là, quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều ở mọi quốc gia, lĩnh vực. Quá trình này sẽ tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch, thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; quy mô và mức độ tác hại của chúng gây ra; tiềm lực và khả năng điều hành của mỗi quốc gia; sự đồng thuận và văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc cũng như diễn biến của quan hệ quốc tế nói chung trong công cuộc đối phó với những mối đe dọa chung.

Hai là, tuy chưa bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu song không thể loại trừ mối đe dọa này, bởi ước tính thế giới đã phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó kèm theo các gói cứu trợ kinh tế - xã hội lên tới 100.400 tỷ USD.

Hơn nữa kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau. Trong khi một số sản phẩm như nhiên liệu, năng lượng gia tăng tạo nên nguy cơ lạm phát lớn thì nền kinh tế lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do cầu giảm vì thu nhập của của phần lớn dân cư thuyên giảm đáng kể.

Ba là, bên cạnh những khó khăn về kinh tế, thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về xã hội không kém phần nghiêm trọng như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần…

Bốn là, rơi vào đúng thời điểm cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, các mối đe dọa phi truyền thống nói trên vô hình trung đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động cũng như lối sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh…

Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn lẫn quản lý xã hội và cả phương thức chiến tranh mới.

Năm là, đại họa vô hình trung đã làm sống lại chủ nghĩa đa phương mà những sự kiện lớn vừa diễn ra như G-20, COP-26, APEC… là những biểu hiện. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lượng mới.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng Việt Nam cũng đang dần chuyển sang trạng thái mới theo tinh thần vừa tiếp tục đối phó với dịch bệnh vừa khôi phục hoạt động bình thường an toàn linh hoạt. Ông cho biết một chương trình tổng thể theo hướng này dường như đang được tích cực soạn thảo và tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa mới, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi về những vấn đề này.

"Chương trình tổng thể nên linh hoạt với các kịch bản khác nhau chứ không thể chỉ có một phương án cứng nhắc. Ngoài ra, hi vọng rằng lĩnh vực xã hội theo nghĩa rộng sẽ được đề cập đậm nét hơn bình thường vì tác động của các mối đe dọa phi truyền thống đối với lĩnh vực này rất nặng nề và lâu dài có thể ảnh hưởng ngược lại về chính trị an ninh và kinh tế - tài chính", ông Vũ Khoan đánh giá.

Ông cũng cho rằng việc xử lý những vấn đề ngắn hạn trong vài ba năm tới cần được gắn bó chặt chẽ với chủ trương cơ bản và lâu dài về tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Đại dịch và tình trạng biến đổi khí hậu càng thúc đẩy mạnh mẽ thêm kinh tế số, kinh tế xanh cũng như các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người.

"Chúng ta rất cần bắt nhịp và tận dụng những xu hướng này. Các mối đe dọa phi truyền thống đồng thời cũng bộc lộ rõ thêm những điểm yếu của mọi quốc gia, kể cả Việt Nam", nguyên Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết: "Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng tôi đã nhận ra rằng nền công nghiệp y tế của Việt Nam vẫn còn yếu, hầu như là zero. Do đó, tôi cho rằng đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư".

Bên cạnh đó, nguyên Phó thủ tướng cũng cho rằng các đại đô thị và cả các khu công nghiệp tập trung lớn cũng chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch vùng đang diễn ra hiện nay cần tính đến điều này.

Cùng chuyên mục
Tin khác