Loại tài khoản mới: Chỉ 'một chạm' thanh toán mọi loại phí giao thông

Khánh Tú - 02/10/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Việc Nghị định 119 về thanh toán điện tử trong giao thông có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí khi thanh toán các dịch vụ vận tải.

Kể từ ngày 1/10, Nghị định 119 về thanh toán điện tử trong giao thông bắt đầu có hiệu lực. Đây là tiền đề giúp người tham gia giao thông có thể thanh toán “một chạm” không chỉ với phí cao tốc mà còn với hầu hết loại phí, giá như đỗ xe, cảng biển, kiểm định…

Với quy định hiện hành, mỗi chủ phương tiện sử dụng một tài khoản thu phí và sử dụng vào một mục đích duy nhất là trả phí khi đi qua các trạm BOT. Người dân khi nộp tiền vào tài khoản nêu trên muốn rút tiền dùng cho mục đích khác gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục. Ngoài ra, Bộ GTVT đang đề xuất Chính phủ mở rộng thêm dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), chẳng hạn như phí đỗ xe tại các sân bay, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định…

“Công nghệ không phải là vấn đề”

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với việc Nghị định 119 có hiệu lực, người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí khi thanh toán các dịch vụ vận tải.

Theo kỳ vọng, lộ trình 1 năm sẽ thực hiện xong việc chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt của 5,6 triệu phương tiện hiện nay. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 đến 1/7/2026, Bộ GTVT duy trì hình thức thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Từ 1/7/2026, Bộ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Ông Tô Nam Toàn cho hay, khi đưa ra lộ trình chuyển đổi từ tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã lường trước các vấn đề để đảm bảo kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Liên quan đến khả năng đáp ứng việc triển khai, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Napas nhận định cả hạ tầng công nghệ lẫn hành vi thanh toán không tiền mặt đều không thành vấn đề.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Napas.

Cụ thể, số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử chiếm 50% và hơn 87% công dân Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Do đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng không còn là rào cản do tỉ lệ phủ sóng tài khoản thanh toán hiện rất lớn.

Về phía công nghệ Napas và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm triển khai với các hệ thống tương tự. Đơn cử như Napas đã kết nối với hệ thống dữ liệu VneID, nhờ đó người dân đã có thể dùng một số dịch vụ công thanh toán ngay bằng mã QR. Hệ thống thanh toán giao thông cũng tương tự.

Với kinh nghiệm nhiều năm triển khai thanh toán giao thông với các Chính phủ toàn cầu, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam & Lào nhận định, khi thanh toán giao thông công cộng, dù là phương tiện thanh toán nào, quan trọng nhất là phải mang lại lợi ích nhất cho người dân.

“Có thể bước đầu người dân có thể lựa chọn nhiều cách thanh toán nhưng sau một thời gian sử dụng họ sẽ lựa chọn cách thanh toán nhanh nhất, an toàn nhất, phù hợp với việc di chuyển giao thông công cộng”, bà Dung nói.

Ngân hàng thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ

Ông Nguyễn Trung Anh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ kỹ thuật thanh toán và Ngân hàng số, Vụ Thanh toán, NHNN khẳng định cơ sở hạ tầng thanh toán hiện tại đáp ứng được cho việc áp dụng thanh toán điện tử trong các lĩnh vực, bao gồm phí giao thông.

"Hạ tầng thanh toán đã được thiết lập với 85 ngân hàng sử dụng Internet Banking, 21.000 ATM và 678.000 POS. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày, trong khi mạng lưới thanh toán QR Code đang ngày càng mở rộng", ông nói.

Cơ sở hạ tầng thanh toán hiện tại đáp ứng được cho việc áp dụng thanh toán điện tử trong các lĩnh vực, bao gồm phí giao thông.

Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thành khuôn khổ pháp lý cũng như phát triển hạ tầng, dịch vụ. Trong đó, triển khai hiệu quả Nghị định 52, các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng.

Đồng thời xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau khi được ban hành).

Ngành ngân hàng cũng sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử và tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật…

“NHNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần 4, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán không tiếp xúc (contactless), ví điện tử…”, ông Nguyễn Trung Anh cho hay.

Trong thời gian Sở GTVT Hà Nội thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt, thẻ vé điện tử GTCC, tỉ lệ sử dụng hai loại hình này rất cao. Với hệ thống thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, theo kết quả sơ kết 8 tháng, tỉ lệ sử dụng thanh toán không tiền mặt 88-89% đối với ô tô còn xe máy là 85%. Còn với thẻ vé điện tử, tỉ lệ người dân sử dụng thanh toán online là 85% đối với 25 tuyến thí điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.