Moca biến mất, báo hiệu hồi kết của ví điện tử?

Hải Đường - 02/06/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc Moca rời bỏ thị trường đã cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thanh toán số. Sau Moca sẽ tiếp tục có những ví điện tử không hiệu quả bị đào thải và biến mất. Trong khi đó, những công ty công nghệ, những ứng dụng thanh toán lớn sẽ tiếp tục trở nên mạnh mẽ và gia tăng thị phần.

Moca dừng hoạt động: Sự ra đi là dễ hiểu

Theo thông báo mới nhất từ Moca, đơn vị này sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ví điện tử từ ngày 17/2024 nhằm thực hiện chiến lược tái cấu trúc, hướng đến tăng trưởng bền vững.

Đối với những người dùng lâu năm trên thị trường thanh toán số, thông báo này là khá bất ngờ khi mà Moca từng là một trong những ví điện tử top đầu trong giai đoạn nở rộ của phương thức thanh toán này.

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy Moca là ví điện tử có tần suất người dùng sử dụng ví thường xuyên nhất. Ở thời điểm đó, trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, cao hơn người dùng Momo với 2 giao dịch và người dùng Zalo Pay với 1,6 giao dịch. Cũng theo nghiên cứu này, Moca cũng dẫn đầu về mức độ gắn bó của người dùng.

Moca công bố hợp tác chiến lược với hãng xe công nghệ Grab vào năm 2018 nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tại Việt Nam. Thương vụ này tưởng chừng sẽ là bệ phóng giúp Moca có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường thanh toán số, tuy nhiên trong vòng 1-2 năm trở lại đây, Grab tiếp tục công bố hợp tác với các ví điện tử khác như MoMo và ZaloPay, làm mất đi vị thế phương thức thanh toán không tiền mặt độc quyền của Moca trên nền tảng Grab.

Moca công bố hợp tác chiến lược với hãng xe công nghệ Grab vào năm 2018

Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, sau khi Grab mua lại Uber, hãng xe này gần như thống lĩnh ở thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam thời điểm đó. Người dùng chỉ sử dụng Grab, đồng nghĩa với việc chỉ sử dụng Moca và không còn phương thức thanh toán nào khác.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường xe công nghệ dần trở nên gay gắt hơn khi các hãng xe như Be, Xanh SM,… trỗi dậy.

“Grab cảm thấy 1 sự đe doạ từ chính những đối thủ này và phải mở rộng kênh thanh toán để tiếp cận với lượng khách hàng lớn hơn. Trong đó, các ví điện tử lớn như MoMo có tới 30 triệu khách hàng. Nếu Grab và MoMo có thể hợp tác sâu hơn, cho phép người dùng đặt xe trên ứng dụng MoMo thì Grab có thể mở rộng được thị phần”, chuyên gia Trần Nguyên Đán cho biết.

Theo ông, vì sự tồn vong của mình, Grab buộc phải ký kết với những đối tác mới. Từ đó, Moca không còn là giải pháp thanh toán độc quyền trên ứng dụng gọi xe của Grab. Người dùng cũng sẽ ưu tiên các ví điện tử như MoMo – đơn vị thanh toán kết nối được nhiều tiện ích. Thị trường của Moca đã thu hẹp dần, trong khi chi phí vận hành lớn, do đó việc dừng hoạt động là bắt buộc và dễ hiểu.

Việc hoạt động kém hiệu quả cũng làm Moca không đủ kinh phí để đầu tư vào các hoạt động khuyến mãi cũng như R&D để cải tiến công nghệ. Trong khi đây lại là 2 yếu tố quan trọng để giữ chân và gia tăng người dùng.

“Những giải pháp công nghệ phải luôn được cải tiến theo thời gian, không thể chỉ dừng lại ở những tính năng ưu việt ban đầu vì yêu cầu của khách hàng sẽ ngày càng cao. Việc không phát sinh doanh thu đã dẫn tới việc không kịp đổi mới, không khắc phục được những lỗi kỹ thuật của ứng dụng, khiến Moca ngày càng mất thị phần và đi lùi so với các đối thủ”, chuyên gia Trần Nguyên Đán cho biết.

Sự đào thải mạnh mẽ trên thị trường thanh toán số

Sau thời gian nở rộ và phát triển, ví điện tử đang đóng vai trò lớn trong thị trường thanh toán số trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động giảm thanh toán tiền mặt. Ví điện tử sẽ trở thành kênh thay thế hiệu quả khi thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy.

Việc Moca rời bỏ thị trường đã cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thanh toán số. Theo dự báo của chuyên gia Trần Nguyên Đán, sau Moca sẽ tiếp tục có những ví điện tử không hiệu quả bị đào thải và biến mất. Trong khi đó, những công ty công nghệ, những ứng dụng thanh toán lớn sẽ tiếp tục trở nên mạnh mẽ và gia tăng thị phần.

“Các ví điện tử này sau giai đoạn phát triển tốt sẽ bắt đầu thực hiện thu phí người dùng. Khi người dùng quá lệ thuộc vào việc sử dụng 1 ứng dụng công nghệ, họ sẵn sàng trả phí chứ không rời đi. Đây sẽ là giai đoạn ví điện tử kiếm được nhiều lợi nhuận”, ông Đán cho biết.

Vị chuyên gia này cho rằng các ví điện tử nhỏ, ví điện tử mới ra đời cần có chiến lược sinh tồn đặc biệt để vực dậy, phải nhắm đến thị trường của giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ có thu nhập thấp vì đây là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng và thu hút bởi các chương trình khuyến mãi.

Tuy nhiên, ví điện tử đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các ngân hàng khi cuộc đua chuyển đổi số, cuộc đua Zero-fee đang nóng hơn bao giờ hết. Hiện nay, người dùng có thể dễ dàng thanh toán từ ứng dụng ngân hàng thông qua hình thức quét mã, miễn phí chuyển khoản và 24/7.

“Sự phát triển của banktech sẽ đe doạ tương lai của ví điện tử. Khi các ngân hàng đồng loạt phát triển banktech và cùng kết nối thành hệ thống duy nhất, song song với chiến dịch giảm, miễn phí giao dịch thì đó sẽ là hồi kết của ví điện tử trong tương lai. Vì chính các ứng dụng ngân hàng cũng là một loại ví điện tử”, chuyên gia Trần Nguyên Đán cho hay.

Đối với các ví điện tử không hiệu quả, bị đào thải, ông Trần Nguyên Đán nhấn mạnh về việc phải cẩn thận với kịch bản những ví điện tử này sẽ trở thành công cụ trong lĩnh vực cờ bạc trực tuyến. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để điều tra về vấn đề này, đặc biệt khi Euro (Giải vô địch bóng đá châu Âu) 2024 sắp diễn ra.

Lép vế trong cuộc đua thanh toán số, Moca dừng dịch vụ ví điện tử

Lép vế trong cuộc đua thanh toán số, Moca dừng dịch vụ ví điện tử

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Moca là một trong những ví điện tử hiếm hoi công bố dừng hoạt động trong kỷ nguyên thanh toán số.
Cùng chuyên mục
Tin khác