Tôi đi làm báo kinh tế
(VNF) - Sau hơn hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực báo chí kinh tế, tôi nhận thấy con đường duy nhất để tồn tại là toàn tâm toàn ý cho việc phát triển nội dung. Chỉ khi phục vụ bạn đọc tốt nhất, báo chí mới có thể tồn tại được.
Duyên nghề
Tôi tốt nghiệp Khoa báo chí, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn vào tháng 7/2001. Khi đó, cũng như nhiều bạn bè khác, hành trang vào đời chỉ là một tấm bằng và chút ít kỹ năng về viết lách. Ám ảnh về việc tìm được một chỗ làm lớn tới mức, thực tế thì phần lớn anh chị em cùng khóa đã bước vào nghề một cách rất “hồn nhiên”: làm gì cũng được và ở đâu cũng được, miễn sao có công việc để làm!
Tôi may mắn được vào làm cộng tác viên cho Saigontimes, một trong ba nhóm báo kinh tế tài chính lớn nhất lúc đó, cùng với Báo Đầu tư và Thời báo kinh tế Việt Nam. Làm cộng tác viên là làm việc không lương, có tin bài nào được đăng sẽ được tính nhuận bút theo tin bài đó. Ngẫm mấy năm sinh viên vất vả, ra trường phải đi làm “không lương” là một điều thật khó khăn, nhưng tôi cũng không có lựa chọn khác nên chấp nhận. Không ngờ, đó là một nhân duyên tốt đẹp trong cuộc đời mình.
Đó là giai đoạn mà Luật doanh nghiệp 1999 vừa mới có hiệu lực, trong xã hội bắt đầu hình thành một tinh thần kinh doanh mới, hàng loạt doanh nghiệp mới được thành lập. Trước đó, kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài 1987 và Luật doanh nghiệp tư nhân 1990, Việt Nam đã bắt đầu có những trải nghiệm đầu tiên về kinh tế thị trường. Trong dòng chảy đó, đã hình thành một mảng báo chí kinh tế mà Saigontimes là một “lá cờ đầu”. Được hình thành và phát triển bởi nhu cầu thực về thông tin của nền kinh tế, Saigontimes và các báo chí khác nhanh chóng có được chỗ đứng trong làng báo.
Đó là giai đoạn chưa có báo điện tử, chưa có mạng xã hội. Các doanh nghiệp muốn quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình không có cách nào khác là chọn các báo in. Trong khi phần lớn báo chí vẫn đang in trên giấy đen nhẻm, các tờ báo kinh tế hàng đầu, được hậu thuẫn bởi công nghệ và tài chính của các đối tác ngoại, dám “chơi” hẳn giấy trắng, in màu, tiến tới in giấy couche, giấy báo đặc biệt tiêu chuẩn quốc tế… Nhờ đó, chỉ trong vòng 10 năm, các tờ báo kinh tế đã mặc nhiên đứng vào hàng ngũ những tờ báo hàng đầu về… làm kinh tế, không những tự cân đối được thu chi mà còn có nguồn dư, nhiều tờ còn tái đầu tư được vào các tài sản khác.
Tôi đi làm cộng tác viên được một thời gian thì được tuyển dụng vào làm việc chính thức, một phần nhờ các bài viết khá cứng so với tuổi nghề lúc ấy. Những đồng lương và nhuận bút đầu đời thật ấm áp, nó là động lực để cống hiến nhiều hơn. Nhưng tiền bạc chỉ là một yếu tố; quan trọng nhất là những năm tháng đầu tiên đi làm báo đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều.
Ở Saigontimes, tôi bắt đầu định hình được những kiến thức đầu tiên về kinh tế và những kỹ năng đầu tiên về làm báo kinh tế. Ở Saigontimes, tôi hiểu thế nào là sự chuyên nghiệp trong tổ chức tòa soạn, để có thể cùng lúc sản xuất, xuất bản nhiều ấn phẩm khác nhau. Và quan trọng hơn hết, tôi học hỏi, cảm nhận được từ các cấp quản lý, lãnh đạo của cơ quan một tinh thần làm việc chính trực, với tầm nhìn và khát vọng cống hiến lớn lao đối với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Trăng mật của báo chí kinh tế
Khởi đầu đó giúp tôi rút ngắn được thời gian học nghề. Chỉ mất 3-4 năm, tôi đã có thể đĩnh đạc nhảy vào các đề tài lớn, những cuộc phỏng vấn chuyên sâu, thực hiện những bài bình luận “trước tuổi”. Nhờ đó mà về sau, khi làm việc cho các cơ quan báo chí khác như Báo Sài Gòn tiếp thị, Thời báo Kinh tế Việt Nam và Tạp chí Nhà Đầu tư, tôi đều nhất quán một cách làm việc đã học hỏi được từ Saigontimes, đấy là luôn đề cao tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp.
Hiểu rằng những bài viết của mình sẽ được đọc bởi những bạn đọc giỏi giang và khó tính, tôi luôn luôn nhắc nhở mình phải hết sức cẩn trọng trong công việc, từng dấu chấm dấu phẩy, từng tin nhắn hay lời phát biểu đều phải chuẩn mực. Điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc phát triển công việc sau này.
Có thể nói giai đoạn 2000 – 2010 là một giai đoạn “trăng mật” của khối báo chí kinh tế. Đó là giai đoạn mà các cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu đã thực sự sống được bằng nghề: doanh thu đến từ phát hành và quảng cáo thừa để bù đắp các chi phí. Có những tờ báo mà doanh nghiệp muốn quảng cáo phải đăng ký trước, rồi cạnh tranh lẫn nhau để có được vị trí đẹp. Có tờ tuần báo mỗi năm 52 kỳ thì doanh nghiệp ký cứng luôn cả 52 kỳ cho vị trí đẹp, chỉ vì sợ doanh nghiệp khác giành mất. Cá nhân tôi từng phải đại diện cho báo Sài Gòn tiếp thị đi làm việc với cơ quan chức năng vì “tội” đăng quảng cáo quá số trang cho phép, biên bản làm việc hiện nay tôi vẫn còn giữ.
Rất nhiều chuyện có thể kể lại để chứng minh cho sự hùng mạnh của khối báo chí kinh tế. Có tờ báo xây dựng được cao ốc riêng cho mình, dùng không hết lại… cho doanh nghiệp thuê. Có tờ báo xây dựng được chương trình hoạt động ngoài mặt báo mà doanh thu còn… lớn hơn doanh thu làm báo.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chính các tờ báo kinh tế đã thực hiện rất tốt bổn phận, trách nhiệm của mình trong việc cổ vũ, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Ấn phẩm tiếng Anh của các cơ quan này cũng làm rất tốt nhiệm vụ đối ngoại và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đối ngoại, đơn giản là đã phục vụ tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ năm 2010, khối báo chí in nói chung, báo chí kinh tế nói riêng bắt đầu gặp khó khăn nhiều hơn vì sự thay đổi của công nghệ truyền thông, đặc biệt là sự xuất hiện của mạng xã hội. Khó khăn lớn dần và kéo dài đã khiến cho nhiều cơ quan báo chí kinh tế không còn giữ được vị thế như trước, thậm chí có những tờ báo đã chỉ còn trong hoài niệm.
Đi tìm chỗ đứng trong lòng bạn đọc
Tháng 8/2021, tôi bắt đầu làm việc cho Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance với tư cách Tổng biên tập. Từ chỗ chỉ tập trung làm về nội dung, tôi bắt đầu phải gánh thêm nhiệm vụ nặng nề là lo làm… kinh tế báo chí. Đó là một nhiệm vụ khó khăn khi mà “trăng mật” của báo chí kinh tế đã lặn từ lâu, mạng xã hội đang làm mưa làm gió và cộng đồng doanh nghiệp thì bắt đầu bước vào một chu kỳ khó khăn.
Trong bối cảnh đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là phải làm thế nào để có được nội dung tốt nhất phục vụ nhu cầu của đông đảo bạn đọc, cho dù đã và đang bị chi phối bởi nhiều nguồn thông tin khác nhau, vẫn muốn tìm kiếm những kênh thông tin kinh tế tài chính tin cậy để tham khảo. Do đó, từ những ngày đầu, gần như toàn bộ nguồn lực của Tạp chí đã được dồn cho công tác sản xuất nội dung.
Nhờ nhất quán cách làm đó, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong khối báo chí kinh tế với vị thế của một kênh thông tin uy tín, chính trực. Và cũng nhờ đó, các đối tác, khách hàng đã tìm đến với chúng tôi, cùng đồng hành để phát triển. Sau ba năm kiên tâm với cách làm của mình, chúng tôi đã nhận được sự tin yêu của đông đảo bạn đọc và đối tác gần xa, để không chỉ làm tốt nội dung trên các ấn phẩm, mà còn phát triển được các hoạt động thiện tâm ngoài mặt báo.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Chính vì vậy, chúng tôi luôn suy nghĩ về việc phải làm thế nào để có thể tối ưu hoạt động, nắm vững các xu thế phát triển của công nghệ và ngành truyền thông, để có thể làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Đổi mới mỗi ngày không chỉ khẩu hiệu, mà đã là phương châm để tồn tại!
Mối duyên đặc biệt với nghề báo
Nhà báo trong vai nhà đầu tư chứng khoán
Bước vào thế giới tài chính: Từ bỡ ngỡ đến đam mê
- Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội 19/06/2024 06:30
- Ôn cố tri tân: Làm giàu từ kinh doanh báo chí 19/06/2022 09:59
- Vì sao báo chí Việt Nam phải bước vào lộ trình chuyển đổi số? 19/06/2022 04:49
Nhà phố trên 'đất vàng' Hà Nội, bỏ trống hàng loạt vì 'ế' khách thuê
(VNF) - Nhiều căn nhà mặt phố đường Kim Mã (Hà Nội) hiện nay vẫn để không từ nhiều tháng nay vì không tìm được khách thuê.