Phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam: Cần đổi mới nhận thức và hành xử

PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền - 21/06/2024 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Gần 20 năm nay, vấn phát triển kinh tế báo chí ngày càng được quan tâm và quan tâm từ nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Những con số biết nói

Theo dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí được chia thành 3 nhóm. Một là cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, có 6 và 15 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Hai là cơ quan báo (có 127) và tạp chí (có 671, gồm: 319 tạp chí khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Ba là đài phát thanh, truyền hình và đài phát thanh – truyền hình (PTTH) có 72 cơ quan, trong đó có 64 đài cấp tỉnh.

Việc phân loại như trên và ngay cả tên gọi cũng khó đồng nhất, có đài PT, đài PTTH, có kênh TH… nhưng nhìn chung, về số lượng, cơ quan báo chí không có sự biến động nhiều. Điểm mới là số tạp chí tăng lên đáng kể, do tác động của Quy hoạch báo chí đã biến những những tờ báo mạng điện tử thành tạp chí điện tử, nhưng mô hình hoạt động còn nhiều lúng túng, bị động và kém hiệu quả về cả kinh tế báo chí lẫn tác động xã hội.

Về tình hình tài chính, nhìn vào bức tranh tình hình tài chính đến cuối năm 2023 có thể thấy đối với khối báo (bao gồm báo mạng điện tử - BMĐT) và tạp chí, có 36% tự bảo đảm một phần; 39% tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên; 25% có ngân sách bảo đảm chi thường xuyên. Như vậy, số cơ quan báo, tạp chí tự lo trang trải và đầu tư phát triển không nhiều, chủ yếu được hỗ trợ từ ngân sách.

Đối với khối cơ quan phát thanh, truyền hình, chỉ có 5,6% đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; hơn 26% đơn vị SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên; trong khi đó gần 70% đơn vị SNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (trên 70%) và đơn vị SNCL do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi thường xuyên. Trong thực tế, nhiều cơ quan “giật gấu vá vai” để có thể tồn tại được.

Trong số này, một số đài PT TH hoặc đài TH có sự phát triển tốt và tự lo cân đối thu chi, như Đài PTTH Vĩnh Long, HTV, VTV (dù VTV năm 2023 giảm thu nhập cán bộ viên chức tới 30%). Riêng các đài PTTH địa phương (ngoại trừ đài Vĩnh Long), đang gặp rất nhiều khó khăn; nhiều đài cắt giảm thời lượng phát sóng, cắt bỏ bớt chương trình; thu nhập của cán bộ viên chức giảm sút và anh chị em phải tự kiếm việc làm thêm để lo cuộc sống gia đình.

Về tình hình kinh tế, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, khối các cơ quan báo, tạp chí có doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 là 8.600 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó quảng cáo giảm 14,8%.

Lĩnh vực phát thanh, truyền hình tính đến ngày 6/12/2023 (thống kê không bao gồm Truyền hình Công an nhân dân và Trung tâm PTTH Quân đội), cho thấy tổng nguồn thu năm 2023 của các đài PTTH đạt 11.679,34 tỷ đồng (giảm 23% so với năm 2022: 15.158,16 tỷ đồng). Nguồn thu của các đài chủ yếu dựa vào quảng cáo và liên kết sản xuất chương trình; nhưng cả hai nguồn này đều giảm nhiều, giảm sâu. Hầu hết đài PTTH địa phương hiện rất khó khăn để duy trì một số chương trình không thể cắt bỏ.

Sụt giảm về doanh thu là khá lớn, nhưng nhân lực làm việc trong lĩnh vực báo chí vẫn không có biến động đáng kể, khoảng hơn 41.000 người (trong đó hơn 20.000 người được cấp thẻ nhà báo), trong đó lĩnh vực PTTH khoảng 16.500 người. Điều ngạc nhiên là, dù khó khăn, nhưng không có cơ quan báo chí nào phá sản, phải giải thể.

Có một số nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu về mặt kinh tế của các cơ quan báo chí.

Thứ nhất, do sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội (MXH) khiến báo chí ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt. MXH chủ yếu do các “đại gia” công nghệ nắm giữ, với nhiều thuật toán thông minh giúp kết nối và sáng tạo, tạo ra không gian giao tiếp phóng khoáng và tự do hơn. Trong khi đó, môi trường báo chí chẳng có thuật toán nào kích thích nhu cầu giao tiếp, kết nối và năng lực sáng tạo cho công chúng; vậy nên mất dần công chúng và thị phần, kèm theo mất dần nguồn thu là điều dễ hiểu. Công chúng mới, thị trường mới nhưng hoạt động báo chí chưa kịp mới.

Muốn giải bài toán này, Việt Nam cần có nhận thức mới, nền tảng công nghệ mới và MXH của mình để tạo sân chơi cho công chúng; như năm 2018 Bộ trưởng Bộ TT& TT đã phát biểu, đến năm nào đó, hơn 90% cư dân MXH Việt Nam sẽ vào MXH của chúng ta.

Thứ hai, có thể do báo chí chưa thích ứng kịp với môi trường truyền thông số, cùng với nhận thức chưa kịp cập nhật về bản chất và nguồn gốc sức mạnh của báo chí, nên nội dung và hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu, nghèo nàn, một chiều và thụ động. Trong khi đó, nhu cầu tiếp nhận, chia sẻ, kết nối và tham gia sáng tạo của công chúng chủ động (CCCĐ) ngày càng gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh dân chủ hoá đời sống xã hội ngày càng mở rộng, làm cho vai trò, vị thế CCCĐ thay đổi nhanh.

Thứ ba, nhiều biểu hiện cho thấy không ít cơ quan báo chí hoạt động thiếu chuyên nghiệp, bị động, sợ trách nhiệm và “ngồi chờ” trước các sự kiện nóng dồn dập xẩy ra. Thêm vào đó là việc thiếu chiến lược phát triển, chiếm lĩnh công chúng/khách hàng và thị trường. Đội ngũ nhân sự của một số cơ quan báo chí chưa được đào tạo, tập huấn lại để thích ứng với môi trường truyền thông số (MTTTS), từ việc thiết kế thông điệp báo chí đa nền tảng, báo chí – truyền thông số cho đến kiến thức và kỹ năng khai thác dữ liệu (big data) hướng tới phục vụ công chúng xã hội, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng, thị trường.

Thứ tư, cơ chế chính sách cho hoạt động báo chí còn những điểm chưa phù hợp, hoặc đã lạc hậu với môi trường truyền thông số và kinh tế thị trường, chưa đáp ứng nhu cầu công chúng xã hội. Ngay như Luật Quảng cáo, quy định báo in không được quảng cáo quá số % diện tích, cũng như PTTH quảng cáo không quá số % thời lượng phát sóng theo luật định, đã lạc hậu ngay khi ban hành, đến nay vẫn chưa thay đổi. Lẽ ra, thay vì hạn chế diện tích, thời lượng phát sóng cho quảng cáo, thì nên quy định mức thuế gia tăng theo doanh thu quảng cáo (hoặc thời lượng, diện tích quảng cáo) của cơ quan báo chí. Mặt khác, còn những lấn cấn giữa vừa làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền vừa tự chủ tài chính của cơ quan báo chí… Chính sách bao cấp, tài trợ từ ngân sách nhà nước cho báo chí cũng chưa hiệu quả, thậm chí còn biểu hiện cơ chế xin – cho …

Cần tiếp tục đổi mới nhận thức

Việc bổ sung nhận thức và đổi mới cách thức hành nghề để phát triển kinh tế báo chí là một quá trình, nhưng trước hết có thể chú trọng vào mấy điểm chính sau đây.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững

Thứ nhất, cùng nhau nhận thức lại bản chất hoạt động báo chí – truyền thông. Theo đó, báo chí – truyền thông là phương tiện và phương thức thông tin – giao tiếp xã hội. Xã hội càng phát triển, con người càng văn minh thì nhu cầu thông tin, giao tiếp càng cao, càng phong phú, đa dạng và nhiều chiều. Thế nên, báo chí không nên tạo ra khoảng cách với nhu cầu, thị hiếu của công chúng xã hội (CCXH).

Báo chí – truyền thông cũng là phương tiện và phương thức siêu kết nối xã hội. Có thể nói, trong xã hội hiện đại, không có phương tiện và phương thức nào có thể siêu kết nối xã hội được như báo chí – truyền thông. Bởi báo chí kết nối xã hội bằng các sự kiện và vấn đề thời sự nóng hổi, liên quan đến lợi ích, nhu cầu, thị hiếu và là mong đợi của CCXH. Báo chí – truyền thông, thông qua sự kiện và vấn đề thời sự đang diễn ra, có thể thu phục, kết nối, làm thay đổi nhận thức, thậm chí sai khiến hàng triệu người…

Báo chí – truyền thông còn là phương tiện và phương thức can thiệp xã hội, tức là tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, bằng cách cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn đàn cho công chúng chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm. Nếu báo chí không tạo được diễn đàn cho CCXH chia sẻ kỷ năng và kinh nghiệm thực tiễn, thì MXH sẽ đảm trách hiệu quả chức năng bản chất này.

Báo chí – truyền thông là phương tiện và phương thức thể hiện quyền lực chính trị, đồng thời cũng là phương tiện và phương thức phát triển kinh tế - dịch vụ xã hội. Báo chí không chỉ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, mà bản thân nó có thể tạo ra sản phẩm, giá trị… để tự nuôi sống mình và phát triển.

Môi trường truyền thông số (MTTTS), có thể tạo ra những khả năng siêu việt cho hoạt động báo chí – truyền thông; như khả năng siêu kết nối xã hội, siêu tương tác xã hội;…mà chính các khả năng này đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ cho hoạt động báo chí.

Vấn đề thứ hai là lâu nay, chúng ta thực hành báo chí với nhận thức rằng, báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước; điều này luôn luôn đúng, nhưng chưa đủ. Bởi báo chí không chỉ là công cụ truyền truyền chính trị, mà nó còn là thiết chế xã hội; mà thiết chế xã hội ra đời, phát triển và hành chức một cách khách quan. Tức là báo chí không chỉ phục vụ tuyên truyền chính trị, mặc dù đây là nhiệm vụ cốt yếu, nhất là với báo chí chính trị - xã hội, mà nó còn đáp ứng nhu cầu thường ngày rất đa dạng, phong phú và nhiều chiều của CCXH. Có nghĩa là, nền báo chí nào cũng phục vụ chính trị, nhưng không chỉ có phục vụ chính trị, mà còn phục vụ và đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng, phong phú của sự phát triển. Vậy nên, từ phía quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt “cái gì được phép thông tin, cái gì không được phép thông tin” (theo quy định của Luật Báo chí), còn “cái gì nên hay không nên thông tin” để ban biên tập thể hiện bản lĩnh thông tin, chịu trách nhiệm trước công chúng và xã hội.

Vấn đề thứ ba, sau khi có quy hoạch lại báo chí, xuất hiện khái niệm “cơ chế đặt hàng”. Đặt hàng là cách thức cơ quan có thẩm quyền huy động báo chí vào việc tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm, cũng cần sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước; cần quy định rõ cơ quan nào thì được phép đặt hàng cơ quan báo chí. Bởi nếu không, sẽ dễ rơi vào “ai có tiền, người ấy đặt nhạc”. Hiện chưa có quy định nào cho phép cơ quan nào được đặt hàng cho cơ quan báo chí để tuyên truyền, nhưng cơ quan giúp việc lại “quá mất thời gian” trong thẩm định giá sản phẩm báo chí, mà xem ra không cần thiết; khung giá này cần được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, thực hiện thống nhất.

Ở đây, còn có vấn đề “hợp đồng truyền thông”. Cũng là thông qua hợp đồng, đối tác chi trả để cơ quan báo chí tuyên truyền, hoặc PR, nhưng hợp đồng truyền thông “thoáng” hơn nhiều. Vì lo nguồn thu tài chính trong lúc khó khăn cho cơ quan mà báo chí có thể quay lưng lại với sự thật. Nhưng điều này chẳng khác nào tự “lấy cuốc chém vào chân mình”. Bởi nguồn cơn sức mạnh của báo chí là sự thật, là thông tin sự kiện và phân tích vấn đề thời sự từ những góc cạnh khác nhau, để soi chiếu vào thực trạng, giúp công chúng nhận thức bản chất cái gì đang diễn ra; từ đó chung sức, chung lòng, tập hợp trí tuệ và cảm xúc cộng đồng, cùng nhau giải quyết; trước hết là giúp các cơ quan của Đảng, Nhà nước ban hành hoặc điều chỉnh quyết sách phù hợp. Công chúng xã hội có quyền được biết sự thật đang diễn ra; quan trọng hơn, Đảng và Nhà nước cần biết sự thật và bản chất vấn đề để thêm kênh nhận thức thực tiễn, để ban hành và hiệu chỉnh chính sách.

Thứ tư, nên coi sản phẩm báo chí là sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, sở thích và phụng sự CCXH. Nhưng đó là sản phẩm hàng hoá đặc biệt; vì nó tác động vào đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm cộng đồng; sản phẩm hàng hoá này có những phẩm chất đặc biệt, cũng như những tiêu chí đặc biệt mà nhà sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt. CCXH chỉ có thể tiếp nhận sản phẩm báo chi khi sản phẩm ấy đem lại, cung cấp cho họ những thông tin có ích lợi, kể cả giải trí.

Thoát ly khỏi những nhận thức cơ bản này, báo chí sẽ thiếu tính cách mạng và chuyên nghiệp; hoạt động báo chí sẽ lúng túng, bị động nhất là trong phát triển kinh tế báo chí hiện nay

Cơ quan báo chí cần có chiến lược phát triển

Mỗi doanh nghiệp (DN) chuẩn bị khởi nghiệp, bao giờ cũng phải xác định mối liên hệ giữa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ với khách hàng của mình; bao gồm khách hàng tiềm năng, khách hàng mục tiêu; trên cơ sở đó xác định mục tiêu, mô hình kinh doanh và huy động nguồn lực… Với cơ quan hay sản phẩm báo chí cũng thế. Muốn chiếm lĩnh thị trường thông tin, cơ quan báo chí cần xác định và phân loại công chúng, hướng đến tổ chức sản xuất tin tức, sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mục tiêu; trước mắt, từng bước biến công chúng thực tế thành khách hàng. Như vậy, cơ quan báo chí cần nghiên cứu công chúng, khách hàng, thị trường thông tin trước khi tổ chức sản xuất, bán sản phẩm trên đa nền tảng.

Có thể nêu tóm tắt mấy vấn đề cần quan tâm như sau. Một là nghiên cứu đánh giá công chúng/thị trường/khách hàng để tìm lối đi riêng cho sản phẩm báo chí – truyền thông. Thông điệp/sản phẩm báo chí - truyền thông phải tạo sự khác biệt, chính sự khác biệt này tạo sự thú vị riêng cho CCXH. Cùng là sự kiện và vấn đề thông tin thời sự nóng, nhưng nếu hiểu công chúng mình, cơ quan báo chí sẽ chọn góc tiếp cận cùng hệ chi tiết, ngôn từ, giọng điệu phù hợp và thú vị để thu hút công chúng vào tầm ảnh hưởng của sản phẩm báo chí.

Hai là thiết lập mô hình thông tin và kiến tạo bước đi phù hợp, cũng như xác định chuẩn đầu ra cho sản phẩm báo chí - truyền thông (SPBCTT). Một khi xác định được chuẩn đầu ra cho SPBCTT hướng tới công chúng mục tiêu, mỗi nhà báo sẽ lựa chọn góc độ tiếp cận cho thông điệp đáp ứng nhu cầu, thị hiếu CCXH;

Ba là tập huấn, đào tạo lại từ đội ngũ từ lãnh đạo ban biên tập cho đến nhân viên bảo vệ, để mỗi người hiểu và ý thức được công việc của mình trong việc phục vụ phát triển cơ quan báo chí. Nói cách khác, người đứng đầu cần thiết lập cơ chế quản trị mục tiêu, quản trị mô hình, quản trị chất lượng, quản trị nhân sự… sau đó mới tính đến marketing, quảng cáo, PR…

Chiến lược phát triển CCXH/khách hàng và thị trường đòi hỏi nghiên cứu ban đầu về công chúng/nhóm đối tượng phục vụ. Nếu hiểu tâm lý, nhu cầu, thị hiếu CCXH thì cùng một sự kiện/vấn đề thông tin, thông điệp báo chí trên đa nền tảng sẽ được thiết kế khác nhau, do đặc trưng kênh truyền và tâm lý nhóm công chúng tiếp nhận.

Kiến thức và kỹ năng quản trị cơ quan báo chí dựa trên nền tảng hiểu biết về kiến thức chuyên ngành báo chí – truyền thông, giúp ban biên tập tìm lối đi cho toà soạn để có thể vừa phát triển kinh tế báo chí bền vững, không chụp giật, vừa phụng sự CCXH và sự nghiệp phát triển đất nước.

Mặt khác, cùng với quản trị mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế báo chí đòi hỏi xác định rõ nguồn thu và các khoản chi; trên cơ sở đó tối ưu hoá hệ sinh thái kinh tế báo chí trong MTTTS.

Mấy vấn đề đặt ra và gợi ý ban đầu

Một là, về quan điểm tiếp cận và chính sach phát triển. Khó có nước nào mà chi ngân sách nuôi gần một ngàn cơ quan báo chí, thậm chí là 1/3 hay 1/4 trong số đó; mặt khác, càng chi ngân sách bao cấp thì thông tin báo chí càng nghèo nàn, đơn điệu và một chiều; như vậy, sản phẩm báo chí tuyên truyền cũng chẳng mấy ai xem, và như đầu tư vào khoảng trống.

Vậy nên nguyên lý sẽ là “vừa nắm chặt vừa thả lỏng”. “Nắm chặt” là buộc hoạt động báo chí và thông tin báo chí tuân thủ pháp luật, mà pháp luật được thiết kế tuân thủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về báo chí. Những vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh. Còn “thả lỏng” không phải là buông lỏng, mà để cho cơ quan báo chí khoảng tự do thâm nhập thị trường thông tin, nhu cầu, thị hiếu CCXH và bù đắp khoảng trống do công tác tuyên truyền không thể khoả lấp.

Như vậy, quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào việc buộc cơ quan báo chí tuân thủ pháp luật và định hướng thông tin với những chiến dịch truyền thông quốc gia khi cần tạo làn sóng truyền thông mạnh cả trong và ngoài nước, vì lợi ích quốc gia; cùng với đó, “đặt hàng” của nhà nước cho cơ quan báo chí tập trung vào những đề tài chính trị trực tiếp, như đại hội đảng, truyền thông đối ngoại, an ninh quốc phòng… “Thả lỏng” là để cho các tập thể toà soạn chủ động thâm nhập thị trường thông tin, phụng sự CCXH tốt hơn, không trùng lắp, không rập khuôn máy móc, không thụ động ngồi chờ… từ đó thâm nhập, thu phục công chúng/khách hàng/ thị trường.

Về quy định quảng cáo theo luật, cần điều chỉnh theo hướng không hạn chế diện tích và thời lượng quảng cáo; thay vào đó áp dụng thuế luỹ tiến, nghĩa là diện tích và thời lượng quảng cáo càng lớn thì thuế áp càng cao. Cũng cần có chính sách tháo gỡ phương thức tính thuế cho báo mạng điện tử thu tiền. Có thể chia ra các dòng báo chí để có chính sách đầu tư phát triển. Theo đó có thể chia ra các dòng báo chí như: báo chí đảng (1), bao gồm một số kênh/chương trình PTTH; báo chí các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiêp (2), báo chí cho trẻ em (3), báo chí cho đồng bào dân tộc thiểu số (4), tạp chí khoa học (5). Mỗi dòng báo chí có chính sách cụ thể, sau khi định nghĩa và khu biệt phạm vi rõ ràng. Ví dụ, cũng ưu tiên đầu tư phát triển, nhưng cả về mức độ và phương thức giữa các dòng (1), (3), (4) là khác nhau. Hoặc cần khu biệt lại tạp chí khoa học để có chính sách hỗ trợ; theo đó, tạp chí khoa học chỉ có thể là tạp chí của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu.

Với đài PTTH, chỉ ưu tiên đầu tư cho chương trình thời sự (quảng bá) để bảo đảm quyền được biết của nhân dân; đầu tư đặt hàng cho một số chương trình, như xây dựng Đảng; còn lại là tự khai phá thị trường và không nên hạn chế số kênh hay nền tảng phát sóng. Ngay các đài PTTH địa phương, tuỳ thuộc vào năng lực chiếm lĩnh thị trường và điều kiện cụ thể, các đài PTTH có thể mở kênh/nền tảng phát sóng phục vụ CCXH và đáp ứng nhu cầu khách hàng, thị trường; khuyến khích truyền dẫn trên MXH. Tương tự, với báo in cũng không nên hạn chế số trang thông tin và trang quảng cáo, mà tuỳ thuộc năng lực đáp ứng nhu cầu thông tin của CCXH, của khách hàng/thị trường. Chẳng hạn, với địa bàn Hà Nội, TP. HCM hay các đô thị lớn với trên một triệu dân, toà soạn báo (và đài PTTH) có thể xuất bản những số/trang/chương trình/kênh chuyên đề phục vụ công chúng theo nhóm tuổi, theo giới, nghề nghiệp, miễn là chiếm lĩnh được CCXH, tự chi trả và có nguồn thu. Thực tế hiện nay, hầu hết các báo và đài PTTH địa phương không có mấy quảng cáo và chương trình liên kết để gia tăng nguồn thu; trong khi công chúng bản địa vẫn đói thông tin và chưa được đáp ứng nhu cầu, tâm lý, thị hiếu…

Cơ quan quản lý chỉ cần kiểm soát nội dung thông tin, không cho phép thông tin báo chí vi phạm những điều pháp luật cấm và xâm hại các quan điểm thông tin của Đảng và Nhà nước; ngược lại, nếu vi phạm những điều cấm thì xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể đóng cửa vô thời hạn nếu tái phạm.

Hai là, cần tạo dựng nền tảng công nghệ quốc gia để hoàn thiện MTTTS. Trong MTTTS, kỹ thuật - công nghệ số là vấn đề tiên quyêt, là nền tảng công nghệ số cho môi trường giao tiếp báo chí – truyền thông; nếu còn phụ thuộc nền tảng số, thì sẽ mất quyền tự chủ, không làm chủ được cuộc chơi, mà trước hết là thất thoát về kinh tế số, trong số có kinh tế báo chí – truyền thông. Bởi hiện nay, một số trò chơi số, kênh truyền thông số trên MXH đang hút CCXH, ban đầu là vui vẻ, tiện ích, dần dần thao túng về quan điểm lịch sử, lối sống, chính trị …

Ba là, bắt đầu từ người đứng đầu. Diện mạo của sản phẩm báo chí thể hiện nhân cách tổng biên tập. Tổng biên tập (TBT), người đứng đầu cơ quan báo chí có vai trò quyết định sự phát triển kinh tế báo chí của toà soạn. Vai trò TBT rất quan trọng, sau khi cùng tập thể cơ quan xây dựng chiến lược phát triển, kiến tạo mô hình thông tin - truyền thông, xác định lối đi và bước đi chiếm lĩnh công chúng/khách hàng/thị trường, vấn đề quan trọng nữa là quản trị nội bộ bảo đảm chuẩn đầu ra, đoàn kết và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của tập thể, định vị thiết lập và mở mang các mối quan hệ, trong đó quan trọng nhất là quan hệ với công chúng/khách hàng/thị trường. Các cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử mới hình thành sau quy hoạch báo chí, cần xoá bỏ phương thức khoán thu (chủ yếu là quảng cáo và hợp đồng truyền thông) cho phóng viên, nhất là phóng viên thường trú; nên tách bộ phận kinh tế báo chí ra khỏi bộ phận sản xuất nội dung, điều hoà lợi ích và bảo đảm tính chuyên nghiệp, bền vững của kinh tế báo chí.

Ba là, chuyên nghiệp hoá đội ngũ. MTTTS đang thay đổi rất nhanh, trong khi nhận thức thực tiễn và kỹ năng tác nghiệp của đội ngũ nhà báo còn không ít lúng túng; vậy nên đội ngũ này cần được tập huấn, đào tạo lại; từ cập nhật nhận thức về nghề - cả nguyên tắc hành nghề và đạo đức nghề nghiệp trong MTTTS, đến cách rút tít đặt đầu đề, thiết kế thông điệp cho tác phẩm báo chí đa nền tảng và truyền thông số. Mỗi cơ quan báo chí cần “setup” lại đội ngũ theo hướng vừa đa kỹ năng tác nghiệp, vừa chuyên sâu vào tuyến vấn đề, phương thức sản xuất sản phẩm. Vậy nên, cơ quan báo chí nên tổ chức đội ngũ thành những “đội quân đặc nhiệm”, như đội chuyên làm tin và phỏng vấn, chuyên làm phóng sự và điều tra, chuyên bình luận, phân tích và phản biện chính sách… Những ai không thuận về thu thập thông tin – dữ liệu và thiết kế thông điệp, có thể chuyển sang bộ phận dịch vụ truyền thông. Hiện nay, dịch vụ truyền thông của nhiều cơ quan báo chí chưa được tổ chức; và nếu có, lại chưa phân vai rạch ròi, lại cùng với khoán doanh thu cho nên phóng viên dễ mắc sai phạm.

Ngay cả tập huấn về kỹ năng giao tiếp truyền thông cũng là vấn đề không hề nhỏ. Một nghiên cứu cách đây hơn 15 năm của các nhà khoa học Harvard, khi khảo sát hơn 3.000 cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Harvard và ĐH Melbourne UNI đã tốt nghiệp trên dưới 20 năm, với câu hỏi, trong thời gian tốt nghiệp trên dưới 20 năm, nguyên nhân nào giúp anh/chị thành công? Kết quả cho thấy, hơn 66% số ý kiến cho rằng, kỹ năng truyền thông giúp họ thành công; trong kỹ năng truyền thông, có hơn 67% cho rằng kỹ năng giao tiếp. Thực tế cho thấy, kỹ năng giao tiếp của không ít nhà báo trẻ “chưa sành”, chưa thuyết phục.

Trong MTTTS, biên chế cơ hữu của cơ quan báo chí (cả tuyệt đối và tương đối) ngày càng giảm; thay vào đó, gia tăng đội ngũ kỹ sư cộng nghệ và khai thác nguồn tin, sáng tạo nội dung từ đa nguồn, từ CCXH và cộng tác viên. Vậy nên cần tổ chức lại quy trình sản xuất sản phẩm báo chí theo hướng đa kết nối, siêu tương tác xã hội theo mô hình toà soạn hội tụ nên được áp dụng. Trong MTTTS, kỹ năng săn tin quan trọng, nhưng quan trọng hơn là kỹ năng thẩm định nguồn tin, phân tích và đánh giá thông tin đa nguồn.

Bốn là, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì, sau đó mới viết như thế nào. Nhà báo luôn khắc nhớ câu hỏi viết cho ai và viết để làm gì để tránh giật gân câu “view”, mà việc giật gân câu “view” ấy không chỉ xâm hại đến công tác tư tưởng và giá trị văn hoá dân tộc, mà còn làm suy giảm niềm tin vào cơ quan báo chí; để từng bước gia tăng hàm lượng văn hoa của thông tin báo chí. Bởi CCXH tiếp nhận sản phẩm báo chí không chỉ để biết thông tin, để mở mang hiểu biết, để chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, mà còn là để thưởng thức sản phẩm văn hoá. Các tiêu chí về chất lượng chính trị, chất lượng văn hoá và chất lượng chuyên môn nghề nghiệp của sản phẩm báo chí luôn được nhà báo chú trọng.

Đồng thời, hãy nhớ lời khuyên của Picasso khi lựa chọn sự kiện thông tin: Sự kiện có thật không? Có thật rồi, nhưng có thú vị không? Sự kiện có thật và thú vị, nhưng có ích lợi gì không? Trách nhiệm xã hội của nhà báo được CCXH trao cho để thẩm định nguồn tin, và quan trọng hơn, là phân tích và đánh giá sự kiện thông tin trong các mối quan hệ hiện thời, trong MTTTS, trước khi đem đến cho CCXH.

Nếu đội ngũ phóng viên chưa thành thạo trong thiết kế thông điệp báo chí đa nền tảng và thông điệp truyền thông số, toà soạn sẽ khó thu phục CCXH; không thu phục được CCXH/khách hàng thì khó phát triển nguồn thu; bởi các nguồn thu của cơ quan báo chí có được đều xuất phát từ công chúng/khách hàng/thị trường. Có công chúng, khách hàng và thị trường, cơ quan báo chí sẽ có tất cả, từ quảng cáo, dịch vụ xã hội, kể cả đặt hàng. Cơ quan nhà nước cần và nên căn cứ vào CCXH của cơ quan báo chí để đặt hàng, mà không dựa trên phân cấp hành chính.

Muốn có sản phẩm báo chí hay, hấp dẫn CCXH, thì phải có đội ngũ phóng viên giỏi; nhưng có đội ngũ phóng viên giỏi, chưa hẳn đã có sản phẩm báo chí hay, hấp dẫn; bởi toà soạn báo chí cần TBT giỏi và chuyên nghiệp.

Thay cho lời kết

Sau quyết định số 362/QĐ-TT của Thủ tưởng Chính phủ về quy hoạch và quản lý báo chí (tháng 4/2019), nền báo chí nước nhà đã có những thay đổi đáng kể, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là về phát triển kinh tế báo chí; mặt khác, sau đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, do đó kinh tế báo chí nước ta còn khó khăn hơn. Mặc dù vậy, chưa thấy cơ quan báo chí nào phá sản là đáng mừng; nhưng trong kinh tế thị trường cũng nên coi việc phá sản là điều bình thường. Hiện nay chỉ một số chương trình PTTH bị cắt giảm; tuy đời sống, thu nhập có khó khăn, nhưng đội ngũ ngành báo chí vẫn ổn định trên 41.000 người.

Đã có không ít hội thảo khoa học – thực tiễn về kinh tế báo chí diễn ra, nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển; nhưng nếu chỉ trên nền nhận thức cũ, thì việc phát triển kinh tế báo chí là vấn đề càng khó khăn hơn. Vậy nên, bài viết này hy vọng khơi gợi một số vấn đề để cùng nhau đổi mới nhận thức về bản chất hoạt động báo chí, về nguồn cơn sức mạnh báo chí… để từ đó có thể đổi mới cách tiếp cận làm nghề; tiếp tục đổi mới và nâng cao tính chuyên nghiệp và cách mạng của báo chí, tìm kiếm giải pháp phát bền vững triển kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí nói chung, cho nền báo chí – truyền thông Việt Nam nói riêng.

Kinh tế báo chí: Góc nhìn từ lịch sử

Kinh tế báo chí: Góc nhìn từ lịch sử

Vấn đề
(VNF) - Sau khi hoàn tất việc chiếm đóng Đông Dương, người Pháp bắt đầu các hoạt động kinh tế, thương mại trên quy mô lớn. Quá trình này, vốn lâu nay vẫn được gọi là các cuộc "khai thác thuộc địa", đã đưa tới những thay đổi hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Trong dòng chảy đó, một nền báo chí thực sự cũng đã hình thành, trong đó có báo chí kinh tế và khái niệm kinh tế báo chí xuất hiện.
Tháo gỡ cơ chế  'đặt hàng' cơ quan báo chí

Tháo gỡ cơ chế 'đặt hàng' cơ quan báo chí

Diễn đàn
(VNF) - Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí 2016 xác định, báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, các “phương tiện thông tin thiết yếu” đang “yếu” một phần vì các cơ quan liên quan chậm trễ trong việc giao nhiệm vụ truyền thông hay đặt hàng các cơ quan báo chí.
Đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí: Nhiệm vụ khả thi!

Đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí: Nhiệm vụ khả thi!

Diễn đàn
(VNF) - Dường như đâu đó đã có sự hiểu lầm khi diễn giải cụm từ “chuyển đổi số báo chí”. Bởi nếu như ở Việt Nam, chúng ta hay gắn nó với nhiệm vụ chính trị, thì trên thế giới, cụm từ ấy đồng nghĩa với đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.
Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội

Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội

Diễn đàn
(VNF) - Hiện cả nước có 6 có quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí và 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Dù khác nhau về loại hình nhưng các cơ quan báo chí đang giống nhau ở tình cảnh sụt giảm về doanh thu, nhất là với các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Phác thảo bức tranh báo chí kinh tế Việt Nam

Phác thảo bức tranh báo chí kinh tế Việt Nam

Diễn đàn
(VNF) - Lịch sử báo chí Việt Nam từ Đổi Mới đến nay đã ghi nhận sự hình thành của khối báo chí kinh tế, một điểm mới hoàn toàn so với trước đó.
'Cần lãnh đạo biết điều hành báo chí như doanh nghiệp'

'Cần lãnh đạo biết điều hành báo chí như doanh nghiệp'

Diễn đàn
(VNF) - Tạp chí quốc tế Nieman Report (Mỹ) mới đây đã có bài viết “Báo chí cần những nhà lãnh đạo biết điều hành doanh nghiệp”. Bài báo nêu bật những kỹ năng quan trọng dành cho thế hệ lãnh đạo truyền thông kế cận trong kỷ nguyên báo chí lấy cộng đồng làm trung tâm.
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu cao nhất lịch sử, hòa vốn trong năm nay

Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu cao nhất lịch sử, hòa vốn trong năm nay

(VNF) - Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt gần 106.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được trong lịch sử.

Cận cảnh Legacy Hill Hòa Bình sau 15 năm được giao đất

Cận cảnh Legacy Hill Hòa Bình sau 15 năm được giao đất

(VNF) - Legacy Hill Hòa Bình là tổ hợp nhà ở sinh thái nghỉ dưỡng, điều dưỡng và vui chơi giải trí nằm trên địa bàn ba xã Tân Vinh, Nhuận Trạch, Cư Yên, thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

VNG: Mục tiêu trở thành công ty công nghệ toàn cầu, dẫn đầu làn sóng AI trong khu vực

VNG: Mục tiêu trở thành công ty công nghệ toàn cầu, dẫn đầu làn sóng AI trong khu vực

(VNF) - ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần VNG đã diễn ra sáng nay với sự tham gia của 452 cổ đông, thông qua những mục tiêu và định hướng kinh doanh quan trọng của năm 2024. Đáng chú ý, mảng kinh doanh mang tính chiến lược AI đã bắt đầu ghi nhận doanh thu thực tế từ thị trường nước ngoài.

Mỹ tiếp tục khẳng định 'Việt Nam không thao túng tiền tệ'

Mỹ tiếp tục khẳng định 'Việt Nam không thao túng tiền tệ'

(VNF) - Trong báo cáo mới công bố, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tỷ giá, tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định Việt Nam "không thao túng tiền tệ".

Đánh thuế giao dịch vàng: Ưu tiên tích trữ, đánh nặng đầu cơ?

Đánh thuế giao dịch vàng: Ưu tiên tích trữ, đánh nặng đầu cơ?

(VNF) - Một số chuyên gia cho rằng đánh thuế giao dịch vàng là giải pháp cần thiết giúp kiểm soát giá vàng. Song đối tượng và mức thuế cần phải được cân nhắc thận trọng cho phù hợp. Chỉ nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để đầu cơ, không nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để tích trữ.

FBI khám nhà 'vua rác' David Dương, Chủ tịch Công ty Xử lý chất thải Việt Nam

FBI khám nhà 'vua rác' David Dương, Chủ tịch Công ty Xử lý chất thải Việt Nam

(VNF) - FBI đã khám nhà riêng của Thị trưởng Thành phố Oakland (Mỹ) cùng hai căn nhà khác thuộc sở hữu của thành viên gia đình ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam.

Hà Nội cần hơn 37 tỷ USD làm gần 400km đường sắt đô thị

Hà Nội cần hơn 37 tỷ USD làm gần 400km đường sắt đô thị

(VNF) - Giai đoạn 2024 - 2035, Hà Nội sẽ đầu tư 397,8km đường sắt đô thị, với quy mô vốn đầu tư khoảng 37,17 tỷ USD.

Doanh nhân nói về nghề báo nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Doanh nhân nói về nghề báo nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

(VNF) - Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), nhiều doanh nhân đã có lời chia sẻ và nhận định những đóng góp của nhà báo, phóng viên đồi với các hoạt động kinh tế xã hội. Trong đó, thông tin của báo chí đã tạo nên một giá trị riêng cho các doanh nghiệp.

Tập đoàn chăm sóc sức khỏe lớn nhất châu Á chọn Việt Nam là bến đỗ mới?

Tập đoàn chăm sóc sức khỏe lớn nhất châu Á chọn Việt Nam là bến đỗ mới?

(VNF) - IHH Healthcare của Malaysia, tập đoàn chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất châu Á, đang xem xét cơ hội thâm nhập Indonesia và Việt Nam thông qua các thương vụ mua lại, khi các thị trường hiện tại của tập đoàn này trở nên bão hòa.